+
Aa
-
like
comment

Đề xuất mua lại cổ phần để ACV lại là doanh nghiệp nhà nước

03/09/2019 17:34

Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại 4,6% cổ phần đã bán cho cổ đông ngoài nhà nước để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc để ACV là doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Đó là nội dung đáng chú ý trong tờ trình về việc đề nghị phê duyệt đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác. Trong đó 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.

Tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng hàng không trong năm 2018 đạt 95 triệu hành khách/năm. Riêng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư và khai thác bởi nhà đầu tư tư nhân.

Trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV.

Lúc đó, thông qua kế hoạch đầu tư phát triển của ACV, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho ACV đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của ACV.

Tuy nhiên, từ ngày 1-4-2016, ACV cổ phần hóa. Từ đó đến nay, ACV đang được tạm giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý để đảm bảo hoạt động hàng không được liên tục, an toàn.

Điều đáng nói, sau khi cổ phần hóa ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, các đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất khai thác so với tính toán thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp.

Đề xuất mua lại cổ phần để ACV lại là doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.
Đường băng 11R/29L bị nứt, hư hỏng nhưng chưa bố trí được ngân sách để sửa, trong khi đó ACV không được dùng tiền của doanh nghiệp này để đầu tư nâng cấp – Ảnh: NIA

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các hạng mục trên thuộc tài sản Nhà nước và phải đầu tư bằng ngân sách.

Trong khi đó nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 – 2020 và nguồn ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng hàng không vẫn chưa được bố trí. Còn ACV đã cổ phần hóa nên không thể bỏ vốn của doanh nghiệp này để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

Qua nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho Cục Hàng không Việt Nam quản lý sẽ phù hợp với Luật quản lý, sử dụng tài sản công; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng với cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của cơ quan này chưa thể đáp ứng ngay các điều kiện để trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay trong cả nước.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, xây dựng đề án theo hướng giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025.

Sau thời hạn trên, giao Bộ Giao thông vận tải tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng.

“Việc giao cho ACV quản lý, khai thác sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay;

Đồng thời, đảm bảo kết cấu hạ tầng hàng không vẫn được ACV bảo trì, đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn bay trong bối cảnh tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, chưa bố trí kịp thời cho lĩnh vực hàng không”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết.

Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, sở dĩ thời hạn giao cho ACV quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đến năm 2025 cũng nhằm có thời gian cho Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức, bộ máy để sẵn sàng tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và nghị định 44/2018/NĐ-CP về quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1-4-2016 sau khi đã thực hiện chào bán hơn 77,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao địch chứng khoán TP.HCM.

Đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nắm 95,4% cổ phần của ACV, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác nắm 0,87%.

Năm 2018 ACV có tổng giá trị tài sản hơn 53.000 tỉ đồng, doanh thu hơn 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 6.000 tỉ đồng.

TUẤN PHÙNG/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều