+
Aa
-
like
comment

Đề xuất miễn nhiệm cán bộ tín nhiệm thấp, không chờ từ chức

Hạ Băng - 07/06/2023 16:32

Một số ĐBQH đề nghị trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 1/2 đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp thì cho miễn nhiệm mà không cần chờ từ chức.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ (chiều 30/5) về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Về đối tượng, một số ý kiến đề nghị bổ sung đầy đủ các đối tượng do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thống nhất giữa đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và đối tượng được bỏ phiếu tín nhiệm. Việc này nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đối với cơ quan tư pháp và các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng như: Thẩm phán TANDTC, Phó Trưởng ban của HĐND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn vào cuối kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Có ý kiến cho rằng, trường hợp nghỉ điều hành công tác từ 6 tháng trở lên vì lý do khác (không phải là vì lý do sức khỏe) và được cấp có thẩm quyền đồng ý thì cũng không lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm tính nhân văn.

Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, qua thảo luận có 2 loại ý kiến.

Thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật nhưng đề nghị giải trình rõ lý do tại sao lại quy định là 6 tháng; cần quy định rõ là 6 tháng liên tục để bảo đảm chặt chẽ; xác định rõ bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và xác nhận của cơ sở y tế ở cấp nào. Có ý kiến cho rằng, nếu đã bị bệnh hiểm nghèo thì không nên quy định thời gian nghỉ việc đến 6 tháng mà chỉ cần từ 3 tháng trở lên.

Thứ hai, cho rằng việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải chữa bệnh và không trực tiếp đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 6 tháng trở lên là không phù hợp vì không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe đối với cán bộ lãnh đạo.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý cán bộ hoặc người đã trình Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn cần làm thủ tục đề nghị Quốc hội, HĐND miễn nhiệm, thay thế người mới.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này cần tham khảo ý kiến của người giữ chức vụ, nếu người đó đồng ý thì vẫn lấy phiếu tín nhiệm.

Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần mỗi nhiệm kỳ

Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong mỗi nhiệm kỳ. Thời điểm có thể vào cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư của mỗi nhiệm kỳ hoặc vào giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ hoặc năm thứ hai và năm cuối của nhiệm kỳ.

Một số ĐBQH đề nghị trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 1/2 đến dưới 2/3 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp thì sẽ trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần qua bước cho phép từ chức, vì không xác định được cụ thể thời gian xin từ chức là bao lâu, gây khó khăn cho việc thực hiện các quy trình tiếp theo.

Chiều 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết nói trên và thông qua vào cuối kỳ họp.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều