Đề xuất không để doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy
Infair cho rằng không nên để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xe máy bắt buộc, Nhà nước trực tiếp triển khai và quản lý trên nền tảng công nghệ.
Ngày 25/5, Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair có văn bản gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) góp ý về Dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Đề xuất để Nhà nước bán bảo hiểm xe máy, quản lý tập trung quỹ
Infair đề xuất thay đổi cách triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. Cụ thể, không để doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ này, Nhà nước trực tiếp triển khai và quản lý tập trung quỹ bảo hiểm xe cơ giới trên nền tảng công nghệ thông tin.
Về phương pháp thu phí xe máy, người dân nhắn tin theo cú pháp định danh biển số xe, phí trừ trực tiếp vào thuê bao điện thoại; thu qua tài khoản ngân hàng. Đối với ôtô, thu qua hệ thống đăng kiểm tương tự như đang thu phí bảo trì đường bộ, thời hạn bảo hiểm theo thời hạn đăng kiểm xe.
Toàn bộ dữ liệu xe tham gia bảo hiểm được đồng bộ hóa và quản lý tập trung, mọi chủ xe và cảnh sát giao thông đều truy cập được thông tin bảo hiểm, tương tự như tra cứu hiệu lực đăng kiểm xe đang áp dụng.
Về giải quyết bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm làm đại lý giải quyết bồi thường và hưởng thù lao. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bắt buộc phải giải quyết bồi thường, tạm ứng chi phí bồi thường khi nhận được thông báo tai nạn của chủ xe bất kỳ.
Theo Infair, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm xe máy không theo tiêu chí cân bằng thu chi, xa rời mục đích phi lợi nhuận, an sinh xã hội. Chi phí kinh doanh quá cao vượt khung quy định của Bộ Tài chính để cạnh tranh, và bù đắp lại bằng việc xâm hại quyền lợi khách hàng khi giải quyết bồi thường.
Một phần lớn phí bảo hiểm TNDS thu được rơi vào kênh phân phối mà không đến được người tham gia bảo hiểm và các nạn nhân trong các vụ tai nạn. Mức chi phí kinh doanh bảo hiểm TNDS ôtô hiện có doanh nghiệp lên đến 40%, xe máy lên đến 70% hoặc hơn. Nguyên nhân chính do kênh phân phối truyền thống quá tốn kém.
Nâng mức bồi thường tối đa lên 300 triệu đồng
Infair cho rằng hiện nay dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh đã được thừa nhận và rất phố biến nên đề xuất bổ sung thêm phần TNDS chủ xe đối với hành khách.
Về mức trách nhiệm, mức chi trả 100 triệu đồng cho cả người và tài sản hiện nay không đủ để đền bù các vụ tai nạn phổ biến. Đơn vị này đề xuất mức trách nhiệm đối với cả người và tài sản lên 300 triệu đồng.
Đối với mức bồi thường thiệt hại tài sản, đề xuất bỏ bồi thường theo lỗi, chỉ cần chủ xe có lỗi bảo hiểm đền 100% thiệt hại.
“Hiện nay trong các vụ tai nạn giao thông, cơ quan cảnh sát giao thông không phân phần trăm lỗi các bên, chỉ kết luận nguyên nhân tai nạn do các hành vi vi phạm nào của các bên, không có tiêu chí nào để xác định mỗi bên lỗi bao nhiêu phần trăm dẫn đến tranh chấp. Thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm tự áp đặt phần trăm lỗi các bên gây bức xúc cho khách hàng”, văn bản nêu.
Và khi không bồi thường theo phần trăm lỗi, thì không bắt buộc phải có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền.
Đơn vị hỗ trợ bảo hiểm cũng chỉ ra Mục 3b Điều 13 Dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới quy định mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế.
Tuy nhiên, Mục 3a Điều 14 lại ràng buộc hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở “do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm”.
Theo đó, việc sửa chữa như thế nào, tại đâu, có sửa chữa hay bỏ tài sản là do quyền của bên thứ ba, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền chỉ định. Đề nghị bỏ quy định phải có hóa đơn và sửa cụm “do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm” thành “Tài liệu, biên bản, chứng từ chứng minh thiệt hại của bên thứ ba”.
Sẽ giảm thủ tục bồi thường cho bảo hiểm xe máy bắt buộc
Theo quy định, để được bồi thường cho loại bảo hiểm bắt buộc, giấy tờ cần có gồm xác nhận công an về vụ tai nạn và xác minh tổn thất, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho nạn nhân trong tối đa 15 ngày làm việc.
“Có những vụ tai nạn không nghiêm trọng, người dân gọi công an thì được bảo tự thoả thuận, còn gọi doanh nghiệp thì có bên nào đến không”, ông Khánh nói trong một buổi trao đổi với báo chí mới đây.
Trước những bất cập này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương soạn dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngay trong tháng 5, theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để chi trả cho người dân và tăng giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nói thêm, có thể không nhất thiết 100% hồ sơ cần tới chứng nhận của cơ quan chức năng và doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động hơn trong việc lo hồ sơ bồi thường cho khách hàng.
Thành Nhân