+
Aa
-
like
comment

Đề xuất giảm thuế xăng 2.000 đồng, tất cả vì lợi ích của người dân

Phù Vân - 21/03/2022 21:10

Cuộc chiến Nga – Ukraine ít nhiều có tác động đến kinh tế Việt Nam, dễ dàng nhận ra giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao. Nhưng mới đây, Chính phủ và các Bộ có liên quan đã có quyết định làm ấm lòng dân.

Giá xăng dầu liên tục tăng kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra.

Tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít, dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít, dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg. Mức tăng mạnh như trên tạo áp lực rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế khi đang trên đà phục hồi sau đại dịch.

Giá xăng, dầu liên tục tăng cao trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân

Trả lời câu hỏi của các đại biểu trong phiên chất vấn ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng tác động cuộc chiến Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng 40 – 60%, trong khi sản xuất xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm đột ngột. Trước tình hình đó, một mặt Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, nên giữa tháng 2 có thể khẳng định nguồn cung đủ từ tháng 2 và tháng 3. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu với sản lượng vượt so với bình thường, gấp hai lần trở lên, nên chắc chắn nguồn cung cũng không thiếu. Mặt khác, về giá xăng dầu, hai Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40 – 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29 – 40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn và Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường.

Không chỉ hàng hóa tăng giá mà các ngành dịch vụ cũng đồng loạt tăng giá.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu xây dựng dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.

Tại sao lại giảm thuế môi trường đối với xăng dầu?

Cũng trong phiên chất vấn ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn: Việc bình ổn giá xăng dầu sẽ sử dụng Quỹ bình ổn và giảm thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quỹ bình ổn có hạn, hiện ở mức 600 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đã âm quỹ lớn nên hai bộ đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, giá thế giới tiếp tục tăng cao thì phải tiếp tục tính toán các loại thuế, phí khác, để giữ giá không tăng cao.

Có thể thấy đề xuất hành động của hai Bộ Tài chính và Công thương cũng vì người dân. Con số giảm 2000 đồng/lít xăng không lớn, nếu người dân đổ đầy bình xăng xe 5 lít thì cũng chỉ giảm được 10.000 đồng. Tuy nhiên khi xăng thì ngành công nghiệp sử dụng xăng dầu sẽ giảm được chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển giảm thì hàng hóa đến tay người dân cũng có mức giá tốt hơn rất nhiều. Thay vì 1 kg thịt heo 120.000 đồng/kg thì khi xăng giảm, giá thịt lợn có thể chỉ nằm ở mức 70.000 đồng/kg. Giá vé tàu xe đi lại thấp hơn. Giá điện nước, bình gas cho người dân cũng giảm đi đáng kể so với việc xăng dầu tăng giá, mọi chi phí sinh hoạt đời sống của người dân tăng cao.

Xăng tăng ảnh hưởng tiếp đến ngành vận tải.

Nếu để người dân và doanh ngiệp chịu tổn thương thêm thì lại cần phải có thêm các khoản hỗ trợ. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi giá thế giới biến động như thế. Để xử lý được nhanh nhất tình huống bây giờ chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường, đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề này”.

Tầm nhìn từ việc giá xăng, dầu tại Việt Nam tăng

Dựa trên dữ liệu về GDP bình quân đầu người của các nước Đông Nam Á, người Việt Nam có thu nhập khoảng 10,25 USD/ngày, do đó, 1 lít xăng đang chiếm khoảng 11,66% trong thu nhập hằng ngày của người Việt Nam. Trong khi đó, người dân Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar có thu nhập lần lượt khoảng 9,42 USD/ngày, 4,74 USD/ngày, 7,45 USD/ngày và 4,47 USD/ngày. Điều đó có nghĩa là người dân của các nước này phải trả lần lượt là 13,4%, 22,41%, 19,89% và 29% thu nhập của 1 ngày cho 1 lít xăng, cao hơn đáng kể so với Việt Nam.

Giá xăng Việt Nam đang ở mức trung bình so với khu vực và trên thế giới. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Đơn cử như Việt Nam, giá xăng dầu được áp bốn loại thuế. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng trên toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia khác cũng có động thái và cách xử lý của riêng mình. Các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hà Lan đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đang tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, rõ ràng rằng, việc giảm thuế không phải là một phương án có thể áp dụng lâu dài.

Tại phiên chất vấn 16/3, Bộ trưởng Công Thương cũng nêu lên hai vấn đề trong quản lý xăng dầu hiện nay là việc dự trữ xăng dầu quốc gia và khả năng làm chủ sản xuất dầu trong nước, Chính phủ và Bộ Công thương đang đưa ra một số phương hướng giải quyết lâu dài và hiệu quả hơn: Một là, nâng cao vai trò của các nhà máy lọc hóa dầu trong việc bình ổn giá cả thị trường. Đảm bảo nguồn tự cung, giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường ổn định 35 – 40%. Hai là, tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu, hiện với cơ chế thực hiện là trích lập, nhưng trong tương lai có thể nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô Quỹ bình ổn, tạo nguồn quỹ từ ngân sách hay từ trích lập cho phù hợp để có Quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường, tổ chức lại quỹ sao cho hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập đoàn Dầu khí: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ”.

Mới đây, trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí PVN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ”. Đây chính là biện pháp then chốt để giữ giá xăng dầu bình ổn, không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Phù Vân

Bài mới
Đọc nhiều