+
Aa
-
like
comment

Đề xuất chính sách tiền lương để trọng dụng nhân tài

28/01/2021 10:52

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.

Đề xuất chính sách tiền lương để trọng dụng nhân tài - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng – Ảnh: T.PHÚC

Đây là một trong 7 đề xuất trong tham luận được bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trình bày tại Đại hội XIII của Đảng sáng 28-1.

Theo ông Dung, từ 70% dân số nghèo đói năm 1990 xuống còn 2,75% năm 2020, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học cho thế giới. Nghèo đa chiều không chỉ tiếp cận từ thu nhập mà còn từ các chiều cạnh khác.

5 năm qua, khoảng 8 triệu việc làm mới được tạo ra với mức thu nhập tốt hơn, góp phần đưa Việt Nam thành một trong 10 nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỉ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Đã thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các mặt…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao năm 2030, ngành lao động phải có nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp.

Văn kiện Đại hội đã đề cập đầy đủ, toàn diện về định hướng quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 7 nhiệm vụ chính:

Một là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo nguyên tắc bù đắp, cống hiến, đóng góp, hi sinh và công bằng; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Hai là tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, bao trùm để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tích hợp chính sách giảm nghèo, giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quân chung của cả nước; tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo: đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, trọng tâm là hiện đại hóa để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phấn đấu tăng tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ lên 30-35% vào năm 2025 và 40-45% vào năm 2030.

Bốn là phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên; tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; giảm lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 25% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030.

Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.

Năm là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt tỉ lệ độ bao phủ 60% năm 2030, hướng tới BHXH toàn dân, mở rộng và duy trì BHYT toàn dân.

Sáu là phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.

Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo…

ĐỨC BÌNH/TTO

Bài mới
Đọc nhiều