Đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên thẻ căn cước công dân
Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú… trên thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Đây là những điểm chính nêu trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, đang được Bộ Công an lấy ý kiến. Việc lược bỏ, thay đổi vân tay, quê quán trên căn cước giúp công dân thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; hạn chế việc phải cấp đổi thẻ nhiều lần và bảo đảm tính riêng tư.
Ngoài ra, các thông tin trên căn cước như vân tay, đặc điểm nhận dạng đã được thu thập vào cơ sở dữ liệu nên khi cần sẽ trích xuất, không cần phải in lên thẻ như hiện hành.
Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số. Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.
Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành “nơi cấp: Bộ Công an”; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Dự thảo đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, bao gồm cả nhóm dưới 6 tuổi. Đây là điểm mới khi luật hiện hành quy định công dân từ đủ 14 tuổi mới được cấp, sẽ làm độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân thay đổi theo, ở mốc: 14, 25, 40 và 60 tuổi. Quy định đang áp dụng là 25, 40 và 60 tuổi.
Với trẻ dưới 6 tuổi, nếu chưa đăng ký khai sinh sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước khi đăng ký khai sinh. Trẻ đã đăng ký khai sinh thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục.
Nếu trẻ đủ 6 tuổi trở lên, cha mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý để thu nhận ảnh khuôn mặt khi làm thủ tục cấp căn cước.
Bộ Công an đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi hiện có nhiều ý kiến trái chiều với lo ngại làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí thực hiện. Ngày 17/3, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nói về vấn đề này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cân nhắc do trẻ em sẽ phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt. Thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng việc này phù hợp với thực tiễn. Dự thảo nghiên cứu xây dựng theo hướng thẻ căn cước trẻ em 5 năm phải thay đổi một lần, đảm bảo phản ánh, cập nhật chính xác thông tin.
Đề xuất chứng minh nhân dân “hết hạn sử dụng” từ năm 2025
Việc thay đổi về thông tin trên thẻ cứng khiến nhiều người thắc mắc “có phải đi làm lại”? Tuy nhiên, dự thảo quy định các trường hợp cần đổi thẻ là người đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi; thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng sinh; xác định lại giới tính hoặc chuyển giới; có sai sót về thông tin trên thẻ; thay đổi nơi thường trú; thay đổi nơi thường trú hoặc khi công dân có yêu cầu.
Theo dự thảo, 7 ngày từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý phải cấp, đổi, cấp lại. Đây là điểm mới rút ngắn thời gian hơn. Hiện, mốc 7 ngày chỉ áp dụng cho người cấp mới hoặc đổi tại thành phố, thị xã; cấp lại là 15 ngày. Tại huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc với tất cả trường hợp.
Dự thảo đề xuất chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng vẫn có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ sử dụng thông tin từ chứng minh thư vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh thư, căn cước công dân trong các giấy tờ, Bộ Công an nêu quan điểm.
Bổ sung ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước
Dự thảo dành một mục với 4 điều quy định về các vấn đề liên quan cơ sở dữ liệu. Theo đó, 31 trường thông tin sẽ được thu thập vào cơ sở dữ liệu về căn cước.
Ngoài thông tin nhân thân cơ bản còn có “họ tên gọi khác, nghề nghiệp, trình độ học vấn, ngày tháng năm mất chứng minh thư, tài khoản định danh điện tử”. Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất thu thập đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết việc thu thập thông tin sinh trắc học không đại trà, sẽ chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Quy định này giống với nhiều nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc.
Thông tin sinh trắc học sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật. Thông tin sau đó được chuyển cho đơn vị quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu về căn cước.
Phạm Dự