+
Aa
-
like
comment

Để xây được “bức tường” dày bảo vệ nước Nga trước bão tố, TT Putin phải chấp nhận trả cái giá không hề rẻ

Ngọc Hoàng - 16/09/2019 11:02

Ông Putin đang xây dựng “quỹ chiến tranh” để đối phó với những đòn trừng phạt của phương Tây và các cuộc khủng hoảng bên ngoài, CNN bình luận.

CNN: Để xây được "bức tường" dày bảo vệ nước Nga trước bão tố, TT Putin phải chấp nhận trả cái giá không hề rẻ
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Salon

Trong khi vết rạn nứt trong nội bộ phương Tây về Nga ngày càng lớn hơn, thì Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây lại tuyên bố trước báo giới rằng “đã đến lúc” EU và Moskva hòa giải.

Lời bình thuận của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra vào đúng thời điểm các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu một tuần làm việc mới, và hiện đang có ít nhất 2 biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.

Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia lại đặt câu hỏi rằng liệu các biện pháp trừng phạt đơn phương có phải là chiêu bài hiệu quả đối với “chủ nghĩa phiêu lưu” của Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, đặc biệt là hiện nay có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về việc những đòn trừng phạt này cũng có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với các đối tác thương mại và đồng minh của Mỹ.

Ông Putin đang xây dựng “quỹ chiến tranh”

Mỹ và các đồng minh lần đầu tiên ban hành gói trừng phạt kinh tế vào năm 2014 nhằm trừng phạt Nga sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào nước này, cùng với đó là việc Nga hỗ trợ các phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách của Moskva đã xây dựng một pháo đài tài chính và tiền tệ, trong đó ưu tiên sự ổn định hơn là tăng trưởng kinh tế. Pháo đài này cũng đóng vai trò là bức tường kiên cố bảo vệ chủ quyền của Nga, cũng như giúp Kremlin vượt qua các đòn trừng phạt kinh tế “bình an vô sự” hơn nhiều so với dự kiến của nhiều nhà phân tích.

Với sự giúp đỡ của các nhà kỹ trị khéo léo như bà Elvira Nabiullina, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga, ông Putin đã xây dựng một căn cứ để cách ly điện Kremlin khỏi những áp lực bên ngoài (các đòn trừng phạt), đồng thời củng cố năng lực của nền kinh tế Nga để vượt qua những cơn bão kinh tế có thể ập đến bất cứ lúc nào trong tương lai – như việc giá dầu giảm hay suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Về cơ bản, phản ứng của ông Putin khi đối mặt với các lệnh trừng phạt là: Chúng tôi đầu tư ít hơn, chúng tôi tăng trưởng chậm hơn, chúng tôi tiêu thụ ít hơn, nhưng chúng tôi xây dựng nguồn vốn dự trữ của mình để tiếp tục những chính sách hiện có”, ông Anders Åslund, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, chuyên gia về Chính sách kinh tế của Nga, nhận định.

CNN: Để xây được bức tường dày bảo vệ nước Nga trước bão tố, TT Putin phải chấp nhận trả cái giá không hề rẻ - Ảnh 1.
Có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân nồng ấm với người đồng cấp Nga, nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang. Ảnh: Reuters.

Mặc dù hai ông Trump và Putin từng có thái độ thân thiện với đối phương, nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang khi cuộc chạy đua vũ trang mới tăng nhiệt. Đầu tháng này, Tổng thống Putin vừa tuyên bố Nga sẽ sản xuất loại tên lửa trước đây từng bị cấm trong khuôn khổ một hiệp ước được kí kết từ thời Chiến tranh Lạnh với Mỹ. Và cuối tháng 8 vừa qua, ông Putin cũng đã hứa sẽ có “phản ứng tương xứng” sau khi Mỹ tiến hành các vụ thử tên lửa bị cấm trước đó.

Tuy nhiên việc Nga xây dựng lực lượng quân đội của mình, cùng các cuộc “phiêu lưu” ở Syria, Ukraine và Venezuela, không phải là những dấu hiệu duy nhất cho thấy Kremlin đang chuẩn bị cho một chặng đường dài.

Trong thời gian ông Putin làm lãnh đạo Nga, nước này đã trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế, bắt đầu từ sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 1990, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và gần đây nhất là suy thoái kinh tế năm 2014.

“Khi ông Putin nhìn nhận những thách thức về kinh tế, tôi nghĩ rằng ông ấy ưu tiên khả năng sống còn qua các cuộc khủng hoảng hơn là sự tăng trưởng”, ông Christopher Miller, trợ lý giáo sư tại Đại học Tufts, chuyên nghiên cứu về kinh tế Nga, nhận định.

Kể từ năm 2014, Nga đã tăng nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 500 tỷ USD (cao thứ 4 trên toàn thế giới), trả hết nợ nước ngoài, hạ giá đồng rúp của Nga để tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu Nga, thực hiện quá trình “phi đô la hóa” nhằm cách ly Nga khỏi hệ thống tài chính Mỹ, và cuối cùng là cân bằng các khoản chi tiêu và doanh thu của nhà nước.

Bên cạnh đó, Nga cũng có giá dầu “hòa vốn” thấp, ở mức khoảng 40-45 USD/thùng. Đây là mức giá mà nhà nước Nga cần duy trì để cân đối ngân sách mỗi năm. Cho tới nay dầu mỏ vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, và là nền tảng của thứ được CNN gọi là “quỹ chiến tranh” của nước này.

“Mọi người, đặc biệt là Washington, thường phóng đại tác động của khí đốt đối với dầu mỏ”, ông Edward Chow, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết. “Với mỗi USD mà Nga kiếm được từ mặt hàng dầu khí, thì có 80 xu trong số đó đến từ dầu mỏ và chỉ có 20 xu là đến từ khí đốt”.

Kremlin vẫn phải trả giá

Tuy nhiên Kremlin vẫn phải trả giá cho chính sách này khi nó đánh vào túi tiền của chính những người dân Nga. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn rất chậm chạp kể từ năm 2014 – dao động từ 1% đến 2% hàng năm – vì thu nhập thực tính của người dân Nga không có tăng trưởng rõ rệt trong nửa thập kỷ qua, và khoản nợ tiêu dùng đã tăng gần gấp đôi trong cùng kỳ.

Điện Kremlin có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ rúp cho “các dự án quốc gia” để kích thích nền kinh tế, tuy nhiên chưa thể biết được liệu các dự án đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể hay không. Chuyên gia Miller đã bình luận rằng ông Putin và nước Nga tuy sẽ “đạt được chính sách đối ngoại ngay bây giờ, nhưng sẽ mất đi tác động sau này”.

CNN: Để xây được bức tường dày bảo vệ nước Nga trước bão tố, TT Putin phải chấp nhận trả cái giá không hề rẻ - Ảnh 3.
Người dân Moskva biểu tình hồi tháng 6/2018 để phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Getty

Một số học giả ở phương Tây cho rằng các cuộc biểu tình ở Moscow trong hè này và tăng trưởng kinh tế nội địa yếu kém là những dấu hiệu cho thấy Kremlin đang gặp rắc rối. Tuy nhiên chính quyền ông Putin lại không xem đó là một cuộc khủng hoảng nhãn tiền và cấp bách.

“Ông Putin quan tâm đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, vì ông ấy tập trung vào vấn đề chủ quyền và ông ấy muốn kiểm soát dư luận bằng các biện pháp khác”, ông Åslund cho hay. “Ông ấy không quan tâm đến tốc độ tăng trưởng.”

Tổng thống Putin đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho SWIFT – hệ thống thanh toán ngân hàng toàn cầu của phương Tây – và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, điều này chứng tỏ rõ ràng rằng việc bị cách ly khỏi câu lạc bộ kinh tế toàn cầu phương Tây hầu như không ảnh hưởng tới Nga.

Các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia ở châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục tranh luận về cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề thay đổi nước Nga, nhưng họ không thể bỏ qua bức tường kinh tế mà ông Putin và các nhà hoạch định chính sách của Kremlin đã xây dựng.

Và nếu Mỹ tự mình đơn phương trừng phạt Nga mà không có sự đồng thuận của các đồng minh và đối tác thương mại, thì hành động đó có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã rạn nứt bởi những quyết định và chính sách khó lường của ông Trump, CNN kết luận.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều