+
Aa
-
like
comment

Để nông nghiệp khởi sắc nhưng không vụt tắt

Diệu Hương - 29/06/2022 15:11

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 8,6% so với 5 tháng đầu năm 2021. Riêng xuất khẩu đạt tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước… Những con số ấn tượng trên cho thấy, nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những thách thức, điểm yếu cần sớm khắc phục và giải quyết để nông nghiệp là trụ đỡ bền vững, lâu dài của nền kinh tế.

Nông dân Bắc Giang bước vào mùa thu hoạch vải

Có thể nói nông nghiệp Việt Nam đã và đang tạo ra những kỳ tích mới ấn tượng với người dân và trong mắt bạn bè thế giới. Không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19. Với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta như gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu vẫn nằm trong tốp đầu thế giới về giá trị xuất khẩu. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng hóa có vị trí đáng kể trong khu vực và thế giới.

Dù vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, có cả ba điểm nút quan trọng là: giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ. Tất cả đều phụ thuộc từ bên ngoài, phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến các loại phân bón, nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như như 80% giống rau và 60% giống ngô. Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc. Dẫn đến hệ quả là cho dù sản lượng thủy sản, lâm sản tăng và giá trị xuất khẩu nông sản tăng tới gần 16,8%, nhưng lợi nhuận của nông dân không tăng tương xứng, mà đang có dấu hiệu suy giảm. Thậm chí số lượng nông dân lâm vào cảnh thua lỗ đang tăng lên, vẫn còn tình trạng được mùa rớt giá, tiêu thụ khó khăn.

Vấn đề nổi cộm nhất mà sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt là thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo chuồng, bỏ ruộng vườn tạm ngừng trồng trọt.

Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tạo ra phân bón, phát triển các sản phẩm mới, qua đó giảm nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu, tăng tính tự chủ, tăng sức cạnh tranh và thu thêm lợi nhuận.

Tình trạng ùn ứ nông sản

Đặc biệt, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần phải được cải thiện mạnh mẽ hơn. Và từ thực trạng ùn ứ tắc biên, giải cứu nông sản diễn ra trong suốt nhiều năm qua, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải kịp thời sản xuất hàng hóa nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng, đòi hỏi của nhiều thị trường, để đa dạng thị trường xuất khẩu. Khi các mặt hàng nông sản của ta vào được những thị trường khó tính mà chúng ta đã ký, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, cũng đồng nghĩa giá trị thu về của hàng nông sản cũng sẽ được nâng lên.

Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Chỉ khi hiện thực hóa được các yêu cầu ấy, ngành nông nghiệp mới có thể tự chủ, tạo sự đột phá mạnh mẽ, là trụ đỡ bền vững của nền kinh tế.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều