+
Aa
-
like
comment

Đề nghị giảm 2.000đ/ lít xăng của Chính phủ đã được thông qua

23/03/2022 15:51

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận đề nghị giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng của Chính phủ. 

Chiều 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 9, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.

Thừa uỷ quyền Chính phủ đọc tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn là 1.000 đồng một lít, kg. Riêng mức giảm thuế với dầu hoả là 70% so với mức thuế hiện hành, về còn 300 đồng một lít.

Thời gian giảm loại thuế này bắt đầu từ 1/4/2022 đến 31/12/2022. Sau thời điểm này, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ quay về mức đang áp dụng, là 3.800 – 4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng một lít với dầu.

Người dân TP HCM đổ xăng tại một trạm xăng ở quận 1, tháng 2/2022.

Thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, đa số thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất của Chinh phủ, do “giảm thuế là hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, theo ông, nhiều ý kiến cho rằng, chưa rõ căn cứ tính toán mức giảm thuế với từng mặt hàng, theo các kịch bản điều hành tương ứng với biến động của giá dầu thô thế giới.

Thực tế vừa qua giá dầu thô trên thị trường thế giới đã biến động khó lường, khi có thời điểm đã chạm mốc 130 USD một thùng, rồi hiện lại về quanh 100-110 USD mỗi thùng. Vì thế, ông cho rằng, Chính phủ cần giải trình rõ hơn căn cứ giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu (trừ dầu hoả) và bổ sung số liệu so sánh giá xăng dầu các nước trong khu vực, để tránh buôn lậu, chuyển xăng dầu ra bên ngoài.

Trong khi đó, số ý kiến khác lại đề nghị không giảm đều 50% thuế này cho tất cả các mặt hàng, trừ dầu hoả. Thay vào đó, nên giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng xuống 2.500 đồng một lít, tức giảm 38% so với hiện nay. Các mặt hàng dầu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, còn dầu hoả giảm 70%.

Thậm chí, có ý kiến đề xuất, nên có phương án giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức biến độ giá dầu thô, nhằm đảm bảo cân đối ngân sách và mục tiêu bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, nếu giá dầu thô dưới 80 USD một thùng thì giữ nguyên mức tính thuế hiện nay. Kịch bản giá dầu 80-130 USD một thùng, thì giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (khoảng 25% mức hiện áp dụng). Còn giá dầu trên 130 USD một thùng thì giảm 1.500 – 2.000 đồng một lít xăng (tương đương 38-50% mức thuế hiện nay).

Ông Cường cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Lý do, Chính phủ đề xuất giảm thuế chủ yếu do giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao trong thời gian qua, hiện quanh 100-110 USD một thùng, thì việc giảm thuế này không thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, giảm thuế bảo vệ môi trường không phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế bảo vệ môi trường, không bảo đảm tính công bằng đối với các đối tượng đang chịu thuế. Việc giảm thuế này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ tạo ra dư luận cho rằng Việt Nam không hướng đến mục tiêu giảm tác động có hại đến môi trường.

Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thay vì giảm thuế bảo vệ môi trường, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ nên đề xuất điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu.

Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan thẩm tra của Chính phủ nêu đề nghị về điều hành mặt hàng xăng dầu. Chính phủ nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) với xăng, và coi đây như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động. Mức giảm thuế này sẽ được tính toán trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapore… và biến động giá thế giới.

Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, kiểm tra và có biện pháp xử lý để giảm áp lực nguồn cung trên thị trường. Việc này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.

Việc giảm chu kỳ điều hành giá cũng là một phương án kiến nghị được Uỷ ban Tài chính Ngân sách đưa ra, nhằm đưa giá trong nước sát hơn với diễn biến giá thế giới.

Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng dầu) để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu vừa qua biến động mạnh với 6 lần tăng giá liên tiếp và một lần giảm giá từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 3, giá xăng bán lẻ trong nước đã lên mức cao nhất lịch sử, sát 30.000 đồng một lít. Tuy nhiên, tới ngày 21/3 thì giảm nhẹ, hiện ở mức 29.190 đồng mỗi lít xăng RON95, 28.330 đồng một lít E5 RON92…

Lạm phát sẽ không tăng trên 4%

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital cho biết, giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 15% kể từ thời điểm Nga tấn công Ukraine (mức tăng ở đỉnh là 35% nhưng sau đó đã hạ), cùng với sự tăng giá của phân bón trước và trong khi chiến sự xảy ra. Chỉ riêng các yếu tố này đã có thể làm tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng thêm 1-2 điểm phần trăm.

Hiện tại, xăng chiếm khoảng 3,5% trong rổ tính CPI của Việt Nam, và phân bón chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất lúa gạo, như vậy có nghĩa là phân bón cũng chiếm khoảng 3% trong rổ tính CPI của Việt Nam. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là 1,4% vào cuối tháng 2 – vì vậy kịch bản mà chúng tôi dự báo có khả năng xảy ra là mức lạm phát của nước ta có khả năng lên tới 4% trong những tháng tới. Tuy vậy, hiện tại VinaCapital nhận định mức lạm phát tại Việt Nam sẽ không tăng trên 4% trong một thời gian dài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức đề nghị của Chính phủ, điều này sẽ giúp CPI giảm khoảng 0,3%. Một cách để Chính phủ có thể giảm lạm phát ở Việt Nam thêm nữa là cắt giảm thuế bán lẻ xăng.

VinaCapital kỳ vọng Chính phủ sẽ cắt giảm hơn nữa thuế môi trường nếu lạm phát ở Việt Nam tăng trên 5% và Chính phủ cũng có thể thực hiện các biện pháp bổ sung nếu điều đó xảy ra – bao gồm siết tăng trưởng tín dụng và khuyến khích các ngân hàng trong nước tăng lãi suất. Tuy vậy, VinaCapital cho rằng các biện pháp này chưa thực sự cần thiết trong năm nay.

VinaCapital không kỳ vọng Chính phủ sẽ thay đổi kế hoạch kích thích tài khóa hay kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vì giá vật liệu xây dựng tăng. Chính phủ Việt Nam có nguồn tài chính dồi dào nên có thể dễ dàng chi trả những chi phí cao hơn đó. VinaCapital thấy sự quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm của Chính phủ thể hiện qua các cuộc thị sát của Thủ tướng và Phó thủ tướng từ đầu năm và điều này đặc biệt tốt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn, bởi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư FDI chọn đầu tư vào Việt Nam khi hạ tầng của chúng ta được cải thiện mạnh mẽ.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều