+
Aa
-
like
comment

Đầu tàu của Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách nào?

Lan Hoa - 02/07/2023 19:09

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, không có gì khó hiểu khi TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Mới đây, The Star – trang web tin tức uy tín hàng đầu tại Malaysia đã đăng tải bài viết phân tích nguyên nhân vì sao TP Hồ Chí Minh đạt được những kết quả này.

Bài viết có tựa đề “Vietnam’s economic hub seeks ways to boost foreign investment in high-tech projects’, tạm dịch ra tiếng Việt là “Trung tâm kinh tế của Việt Nam tìm cách thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao”. Trong bài viết, The Star đã phân tích rất cụ thể về kết quả đầu tư thu hút nguồn vốn FDI vào TP Hồ Chí Minh. Theo đó, luỹ kế đến tháng 5/2023, Việt Nam thu hút được 36.881 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 444,069 tỷ USD đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều FDI nhất với 11.598 dự án, có tổng vốn đăng ký lên tới 56,407 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Với kết quả này, TP Hồ Chí Minh đã “bỏ xa” Bình Dương và Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 về thu hút FDI.

Đáng chú ý, không chỉ được đánh giá cao về số lượng các dự án và lượng vốn đầu tư, các dự án FDI đầu tư vào TP Hồ Chí Minh đa số còn là dự án của những tập đoàn toàn cầu có chất lượng tốt, tạo được sức lan toả mạnh mẽ đến khu vực doanh nghiệp trong nước và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương, của quốc gia.

Vậy nhờ những điều kiện nào mà TP Hồ Chí Minh lại tạo nên được sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài? Theo The Star nhận định, TP Hồ Chí Minh có lợi thế là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có vị trí chiến lược thuận lợi, có nguồn lao động dồi dào và trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước và là đô thị đa văn hoá, thích hợp cho người nước ngoài làm việc, sinh sống và du lịch…

Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả mà một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đại diện Tập đoàn Intel từng chia sẻ, đó là các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19, đó là “điểm cộng” giúp các nhà đầu tư yên tâm lựa chọn TP Hồ Chí Minh để đặt dự án. Thời gian qua, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như các hoạt động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, thành lập tổ công tác đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm Trưởng ban.

Chưa dừng lại ở đó, The Star cũng trích dẫn nhận định của Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Viet Nam) Mary Tarnowka cho rằng, TP Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn về kinh tế số và đây sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các doanh nghiệp thuộc AmCham Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố và các tỉnh phía Nam trong thời gian qua, đồng thời mong muốn quá trình này cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa. Qua đó, tạo sự đồng bộ về hạ tầng cho khu vực phía Nam và thành phố, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) Leif Schneider cũng cho biết thêm, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội và TP Hồ Chí Minh có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này. Có thể nói, sau gần 50 năm thống nhất đất nước (1975-2023) và gần 40 năm đổi mới từ năm 1986, TP Hồ Chí Minh đã đạt được bước tiến dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thu hút FDI được đánh giá là “điểm nhấn” quan trọng trong bức tranh kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư, ngoài việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục, quy trình đầu tư,… thị trường lao động của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị.

Thêm nữa, cần hiểu rõ các chính sách như ưu đãi thuế như hiện nay là cần nhưng chưa đủ, vậy nên TP Hồ Chí Minh cần dựa vào nền tảng sản xuất trình độ cao, bao gồm các yếu tố như con người, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành. Cụ thể là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cả về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và các đề án về khoa học công nghệ. Ngoài ra, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư sao cho nhanh hơn và tinh gọn hơn nữa.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều