+
Aa
-
like
comment

Đấu giá tài nguyên viễn thông: Mã đẹp, số đẹp do thị trường quyết định

Hạ Băng - 22/06/2023 15:43

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sửa đổi quan trọng của Luật Viễn thông là mã đẹp, số đẹp sẽ do thị trường quyết định, không do cơ quan Nhà nước quyết định như trước đây.

Sáng 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Nêu ý kiến, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội là cơ hội để Việt Nam kịp thời đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, đa dạng hóa thị trường viễn thông và điều chỉnh các quy định đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế và sự phát triển của công nghệ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã đưa ra chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thúc đẩy việc sử dụng Internet trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và nghiên cứu khoa học.

“Việc sửa đổi Luật Viễn thông tạo thuận lợi và giúp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là rất quan trọng”, đại biểu Lã Thanh Tân nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam), muốn hiện thực hóa tham vọng đến 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển tự cường có thu nhập cao thì nhất thiết hạ tầng số phải đi trước một bước, chuẩn bị nền tảng cho nền kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng, việc thiếu hụt điện năng nghiêm trọng trong những tuần vừa qua càng cho thấy tầm quan trọng của hạ tầng phải đi trước một bước và hơn hết cần phải chuẩn bị hạ tầng cho tương lai.

Vì vậy, đầu tư và phát triển hạ tầng số vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia là đặc biệt quan trọng.

Từ những phân tích trên, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, việc sửa đổi Luật Viễn thông là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu trong ngắn hạn sẽ giúp thị trường viễn thông vận hành minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn và trong dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp viễn thông hướng tới đầu tư tốt hơn cho nhu cầu hạ tầng số tương lai.

Đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) thống nhất cao với việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng và phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hạ tầng viễn thông được ưu tiên xây dựng và bảo vệ

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dành thời gian làm rõ các vấn đề được đại biểu quan tâm như: phát triển hạ tầng viễn thông; trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ OTT viễn thông; đấu giá tài nguyên viễn thông…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm chung về hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu được Nhà nước ưu tiên xây dựng và được Nhà nước bảo vệ. Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội nên sẽ càng cần hơn việc chia sẻ, dùng chung.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, việc sửa đổi Luật Viễn thông là hết sức cần thiết. (Ảnh: QH)

Về trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý, quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch nên cần đăng ký. Điện toán đám mây là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Về vấn đề đấu giá tài nguyên viễn thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sửa đổi quan trọng nhất là mã đẹp, số đẹp sẽ do thị trường quyết định, không do cơ quan Nhà nước quyết định như trước đây. Giá khởi điểm đấu giá sẽ cố định và không phải thực hiện việc xác định giá khởi điểm vì số lượng số đẹp là rất nhiều.

“Thế nào là đẹp cũng khác nhau với từng người, rất khó xác định mã và số mang ra đấu giá không ai mua thì sẽ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp. Với cơ chế mới rõ ràng hơn, dễ làm hơn, minh bạch hơn trong dự thảo luật, sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ quy định chi tiết để thực thi một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều