+
Aa
-
like
comment

Dấu ấn đau thương Mậu Thân 1968

09/02/2022 05:49

Khoảng hạ tuần tháng 4 năm 1968, những đợt tân binh bổ sung đầu tiên lần lượt đến đơn vị, quân số tăng lên từng ngày. Bấy giờ Quyết Thắng đã là trung đoàn có quân số tương đối đầy đủ, với Ban chỉ huy Trung đoàn vừa được trên chỉ định.

Ban Chỉ huy đơn vị X quân Giải phóng nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích. Ảnh tư liệu

Thành phần Ban chỉ huy Trung đoàn gồm chú Ba Vinh (Trần Quang Vinh) – Trung đoàn trưởng, chú Hai Phái (Lê Hoàng Phái) – Chính ủy và chú Năm Xướng (Phan Văn Xướng) – Trung đoàn phó.

Bước vào đợt 2 tấn công địch (tháng 5 năm 1968) đơn vị được chuẩn bị tương đối đầy đủ và hừng hực khí thế tiến công.

Lúc bấy giờ quanh Sài Gòn, các hướng đã nổ súng mở đầu tiến công đợt 2. Ngày 6 tháng 5 năm 1968, Trung đoàn Đồng Nai từ Phân khu 5 vượt sông Sài Gòn, mượn đường Trung đoàn Quyết Thắng (khu vực An Phú Đông) để đánh vào mục tiêu Tây Bắc Sài Gòn. Ngày 12 tháng 5 năm 1968, sau khi Trung đoàn Đồng Nai rút ra khỏi thành phố, Trung đoàn Quyết Thắng mới được lệnh tiến công, trong khi toàn mặt trận quanh Sài Gòn đã im dần tiếng súng, hầu hết các đơn vị bộ binh đã rút khỏi thành phố, đây là bất lợi lớn đối với Trung đoàn Quyết Thắng khi bước vào chiến đấu.

Tuyến lửa

Sau những trận đánh phản kích ác liệt với các đơn vị lính dù hòng ngăn chặn sự tiến công của ta, ngay chiều tối 12 tháng 5 năm 1968, toàn Trung đoàn với quân số hơn 700 người, từ địa bàn An Phú Đông, hành quân để vượt sông Vàm Thuật (nhánh của sông Sài Gòn) hướng tới mục tiêu tỉnh Gia Định và bót Hàng Keo (thuộc địa phận quận Bình Thạnh ngày nay). Gần sáng dọc theo sông Vàm Thuật địch bắn phá dữ dội. Đơn vị vừa chế áp địch, vừa tổ chức vượt sông. Hừng sáng, hơn phân nửa đội hình đã vượt sông, đứng chân được ở bờ đông sông Vàm Thuật, trên cánh đồng lớn, đồng Ông Cộ.

Dấu ấn cuộc đời: Dấu ấn đau thương Mậu Thân 1968 - ảnh 1
Gia đình má Hai Cây Thị- Huỳnh Thị Gần, những người đã bảo vệ và che giấu các chiến sĩ Trung Đoàn Quyết Thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thận 1968 ở thành phố Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Trời sáng hẳn, các đơn vị trinh sát Trung đoàn quần đánh dữ dội với các đơn vị thủy quân lục chiến của địch đang án ngữ trên tuyến đường từ cầu Bình Lợi về kho xăng, kho đạn Gò Vấp và mở được hai cánh cửa lớn. Đồng chí Ba Vinh – Trung đoàn trưởng và đồng chí Hai Phái – Chính ủy, mỗi đồng chí dẫn đầu một hướng tiến công vượt tuyến lửa này để đến mục tiêu theo kế hoạch. Khi qua tuyến lửa nhiều đồng chí hy sinh vì hỏa lực ngăn chặn của địch.

Cuộc chiến đấu dọc quốc lộ 13, khu vực Bình Thạnh diễn ra suốt cả ngày. Ta và địch giao tranh quyết liệt trong thành phố , giành đi chiếm lại từng căn nhà, từng khu phố. Do đánh gần, hai bên cọ xát nhau nên máy bay và pháo binh địch rất khó chi viện, ngoài súng cối và các loại hỏa lực trên xe tăng và xe thiết giáp của địch. Sở chỉ huy Trung đoàn (đồ ng chí Ba Vinh) đặt tại con mương, trên có một tấm ván dày, phủ một ít đất. Quyết tâm của Trung đoàn là bám trụ tại đây, chờ trời tối đánh vào mục tiêu. Suốt ngày, súng cối địch bắn rải rác xung quanh Sở chỉ huy. Đến chiều tối, nước triều dâng đến cổ, lúc này địch dồn dập pháo kích dữ dội vào Sở chỉ huy, nhiều quả đạn cối 81 rơi trúng nắp hầm, một mảnh đạn trúng vào đầu đồng chí Trung đoàn trưởng Ba Vinh và đồng chí hy sinh.

Trời sụp tối, việc đầu tiên của tôi là mai táng đồng chí Ba Vinh. Đất cứng lại gần ngay bụi tre, phải mất cả tiếng đồng hồ mới đào được 3 tấc đất để tạm mai táng đồng chí Trung đoàn trưởng, sau đó tiếp tục hành quân.

Sau một ngày chiến đấu căng thẳng và quyết liệt, toàn đơn vị vẫn giữ được đội hình và tiến sâu vào bên trong về hướng ngã ba Cây Thị (tức ngã ba đường Phan Văn Trị ngày nay). Địch liên tục ngăn chặn, nhưng ta vẫn triển khai được đội hình chiến đấu trên khu vực này.

Tình thế hiếm nghèo

Từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 5 năm 1968 ta và địch (gồm quân dù, thủy quân lục chiến, các đơn vị biệt kích dù 81) giành nhau từng đường phố, từ dọc quốc lộ 13, quận Bình Thạnh đến ngã ba Cây Thị, xóm Gà, xóm Thơm, Chuồng Ngựa… trên địa bàn quận Gò Vấp. Do địch tập trung lực lượng ngăn chặn, phong tỏa các hướng, các tuyến đường, đơn vị không đến được mục tiêu và phải chuyển sang đánh địch phản kích. Đến thời điểm này, các đơn vị bạn trên các hướng đã rút khỏi thành phố. Bộ phận chiến đấu của Trung đoàn đã hoàn toàn bị cắt đứt với phía sau, không tiếp tế được đạn dược, không chuyển được thương binh.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Phân khu lệnh cho chỉ huy trung đoàn lập kế hoạch lui quân khỏi thành phố. Nhưng tình thế đã quá muộn. Trong giờ phút hiểm nghèo này, đồng chí Hai Phái đã động viên bộ đội: “Chúng ta là quân cách mạng, chỉ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường, không từ bỏ vũ khí và không đầu hàng…”. Tuy vậy, thật bất ngờ khi đơn vị chuẩn bị hành quân thì Trung đoàn phó Phan Văn Xướng đã đầu hàng địch và khai báo toàn bộ kế hoạch rút quân khỏi thành phố của ta.

Chiều tối ngày 16 tháng 5 năm 1968, tôi chuyển bức điện cuối cùng của chỉ huy Trung đoàn cho Tư lệnh Phân khu và đóng máy. Đồng thời tôi cũng gởi lời vĩnh biệt đến đồng chí thông tin trực tiếp liên lạc với tôi (đồng chí Lê Thiệu, sau này là Đại tá Chủ nhiệm Thông tin Quân khu 9). Địch tập trung lực lượng không cho ta mở đường rút lui.

Tôi đi cùng Chính ủy Hai Phái. Đang luồn lách trong đêm tránh trái sáng và sự phát hiện của địch, một quả cối vu vơ phát nổ ngay sau lưng tôi, đồng chí Chính ủy bị thương nặng và trút hơi thở cuối cùng. Như vậy, ngay ngày đầu đợt 2 đánh vào thành phố , tôi đã mai táng đồng chí Trung đoàn trưởng và ngày rút ra, tôi lại mai táng đồng chí Chính ủy. Hai sự kiện trên đã để lại dấu ấn đau thương thật là sâu sắc trong cuộc đời tôi. (còn tiếp)

(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân)

Bài mới
Đọc nhiều