+
Aa
-
like
comment

Vài quan điểm về sở hữu đất đai tư nhân

An Diễm - 02/06/2022 06:38

Nhiều năm nay, trên các diễn đàn góp ý sửa đổi Luật Đất đai, xuất hiện một số ý kiến cho rằng chúng ta nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác. Thế nhưng, điều đó đã cần thiết ở Việt Nam?  

Những dự án được giải phóng mặt bằng

Trên thực tế, đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, do đó đất đai là tài sản của của quốc gia và phải thuộc sở hữu chung của toàn dân. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như đảm bảo lợi ích tối đa từ đất cho sự phát triển của đất nước, hạn chế phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng, đảm bảo an ninh lương thực…

Ngoài ra, khi đại diện người dân sở hữu thì Nhà nước cũng có trách nhiệm chăm lo để đảm bảo việc sử dụng đất của người dân phát huy hiệu quả cao nhất. Đơn cử như chăm lo công tác thủy lợi, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng đường sá, hạ tầng.

Ngược lại, chế độ sở hữu tư nhân đất đai có thể đem lại nhiều hệ lụy. Trong điều kiện nước ta đang cần đẩy mạnh phát triển kinh tế và thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi cần thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc sở hữu tư nhân đất đai sẽ đặt nhà đầu tư vào chỗ phải thỏa thuận với quá nhiều người dân, chỉ một người không đồng ý với phương án chung là kế hoạch đầu tư khó triển khai thực hiện. Như mới đây, việc người dân ra giá đến 1 tỷ đồng/m2 đất ở Trung tâm Hà Nội đã là minh chứng đầy thuyết phục cho lo ngại này. Kết quả là sở hữu tư nhân đất đai vừa cản trở quá trình phát triển của đất nước, vừa không có cơ chế bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư và thậm chí của chính một bộ phận người dân.

D’ Capitale Hà Nội có vị trí đắt giá với 4 mặt đường

Sở hữu tư nhân đất đai có thể làm nảy sinh tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã hội. Khi đất đai, nhất là đất nông nghiệp được sở hữu tư nhân thì người dân có thể toàn quyền bỏ hoang, không trồng trọt cầy cấy để sinh lợi mà sử dụng như hàng hóa để trao đổi. Một số người có tiền có thể lợi dụng sự khó khăn nhất thời hoặc kém hiểu biết của người dân để thu gom đất đai để làm khi nghỉ ngơi, giải trí, kinh doanh… trong khi đó người dân bán đất sẽ trở nên đói nghèo vì không còn đất, không còn kế sinh nhai. Khi xu hướng này lan rộng mà nhà nước không thể kiểm soát (vì đất khi đó hoàn toàn do người dân kiểm soát) thì chắc chắn sẽ gây ra bất ổn xã hội, nghèo đói và đe dọa an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bất chấp thực trạng chung, trang mạng Chân Trời Mới Media vẫn kiến nghị áp dụng chế độ sở hữu đất đai tư nhân.

Trong khi đòi hỏi “quyền lợi” thông qua bản kiến nghị, Chân Trời Mới Media quên rằng chế độ sở hữu toàn dân hiện tại không hề làm khó cho người dân. Bản chất của cơ chế này là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Luật đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng (theo quy hoạch của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn…Về cơ bản, người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ.

Sở hữu toàn dân về đất đai cũng không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp hiện nay, vốn là nguyên nhân trực tiếp cho những “đòi hỏi”, “kiến nghị” thay đổi cơ chế sở hữu đất. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của chế độ sở hữu, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong cách thức quản lý và thực thi. Không thể né tránh những khúc mắc hiện tại bằng việc đơn thuần chuyển toàn bộ quyền quản lý đất cho khu vực tư nhân thông qua tư hữu hóa hoặc đa dạng hóa sở hữu đất đai để rồi phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Ngược lại, chỉ có thể giải quyết tốt các vấn đề này bằng việc đẩy mạnh cải cách trong các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; siết chặt kỷ luật và trách nhiệm giải trình của công chức và chuyển giao cho người dân những quyền mà người sử dụng đất thực thi có lợi hơn cơ quan nhà nước.

Trên tất cả, mục tiêu của Nhà nước ta là “công bằng”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sở hữu toàn dân về đất đai ít nhất cũng tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai công bằng và bình đẳng hơn. Nếu để đạt được hiệu quả bằng cách hy sinh quyền lợi của đa số người lao động nhưng chui vào túi người giàu thì chắc chắn không phải là hiệu quả mà tất cả chúng ta mong muốn.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều