+
Aa
-
like
comment

Đằng sau đường điện vượt biển dài nhất Đông Nam Á

LS Lê - 06/09/2022 09:03

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng.  Trong số đó, đường dây điện 220 kV dài nhất Đông Nam Á kéo điện từ đất liền ra đảo Phú Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực kể trên.

Công trình đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất khu vực Đông Nam Á

Hiện tại, mỗi năm nhu cầu về điện của Phú Quốc tăng trên 40%. Trong khi đó, dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc khánh thành năm 2014 đang ngày càng quá tải, không còn đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho đảo ngọc. Điểm bất cập này có khả năng sẽ kìm chân đảo ngọc phát triển bởi nhu cầu về điện năng của địa phương rất lớn khi ngày càng có nhiều khách du lịch và nhà đầu tư đến đây. Nếu không sớm khắc phục điểm nghẽn này thì hoạt động du lịch của Phú Quốc sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm lợi nhuận và nguồn vốn FDI.

Để khắc phục điểm yếu trên, dưới sự đốc thúc của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng tốc hoàn thành công trình đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất Việt Nam kể cả trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, công trình hoàn toàn do các nhà thầu trong nước thực hiện và vật liệu xây dựng chính do Việt Nam tự sản xuất trong nước, chịu được môi trường muối biển. Chính vì vậy, việc hoàn thành dự án đường dây vượt biển trên không chỉ có ý nghĩa rất lớn với Phú Quốc khi đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài cho phát triển kinh tế-xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu hút đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, việc các nhà thầu Việt Nam thực hiện thành công dự án kéo điện vượt biển ra đảo Phú Quốc sẽ tạo tiền đề cho việc áp dụng công nghệ kéo điện vượt biển ra các đảo gần bờ khác, tiết kiệm chi phí rất đáng kể so với kéo cáp ngầm.

Không chỉ dừng lại ở hệ thống cơ sở vật chất tại Phú Quốc, các dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội cũng được Chính phủ tập trung đầu tư. Cụ thể, 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu được quan tâm đặc biệt nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua.

Dự kiến hướng tuyến dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Có thể khẳng định, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang có những chuyển biến tích cực. Từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế và có tác động mạnh mẽ tới kết quả kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập bởi hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh, chất lượng nhiều tuyến đường còn thấp, nhiều nơi còn bị tắc nghẽn, chưa bảo đảm giao thông thông suốt, đặc biệt là trong mùa mưa lũ… Cuộc hành trình xây dựng đất nước hiện đại hoá vì vậy sẽ còn nhiều thử thách nhưng những bước tiến trong hiện tại đã chứng minh được phần nào sức mạnh nội tại và khả năng tiềm tàng mà Việt Nam sở hữu.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều