+
Aa
-
like
comment

Dân số tăng thêm gần 1 triệu người: Động lực hay áp lực cho cho Việt Nam?

Huy Hoàng - 29/03/2022 18:03

Trong lịch sử phát triển nhân loại, dân số luôn là một nhân tố có tác động rất mạnh đến sự “thăng trầm” kinh tế của một quốc gia. Năm 2021, Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người, vậy đây sẽ là động lực hay áp lực cho nền kinh tế?

Dân số đông là nguồn lực vàng của nền kinh tế “mới nổi” như Việt Nam

Dân số tăng thêm hằng năm sẽ giúp cung cấp một lực lượng tiêu thụ dồi dào giúp kinh tế giữ được đà tăng trưởng. Với các nền kinh tế “mới nổi”, dân số đông sẽ tạo ra một thị trường xanh cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư. Khi các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, chiếm lấy thị phần trước đối thủ, tất yếu sẽ đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Thương mại điện tử, lĩnh vực mà được nhắc tới nhiều nhất vài năm gần đây là một ví dụ. Khi các ông lớn đua nhau tìm tới Việt Nam, sự quyết liệt của họ đã vực dậy sự phát triển của ngành logistic và các ngành phụ trợ liên quan, như bao bì, đóng gói, … Không chỉ số việc làm đã được tạo ra nhiều hơn, mà đời sống người dân cũng thuận tiện hơn, không chỉ thế các doanh nghiệp nội “ăn theo” cũng được ra đời nhiều hơn.

Tính đến ngày 31/12/2021, dân số Việt Nam ước tính là 98.564.407 người, tăng 830.246 người so với năm 2020. Sự gia tăng dân số, kéo theo gia tăng “nhu cầu tiêu dùng” sẽ tiếp tục là động lực để các doanh nghiệp ngoại chú ý đến Việt Nam.

Một khía cạnh khác, lực lượng tiêu thụ đông đảo cũng sẽ là lực lượng lao động dồi dào. Khởi đầu là lao động chân tay sản xuất đơn giản

Với lợi thế về nhân công giá rẻ, Việt Nam tất yếu sẽ là điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư FDI. Các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài sẽ có một chỗ trú chân mới để duy trì mức giá cạnh tranh của mình. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận Việt Nam, họ sẽ được hỗ trợ bởi nguồn nhân công giá rẻ trong nước, sản phẩm bán ra không chỉ cạnh tranh được với đối thủ mà còn giúp họ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Đổi lại, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ đến từ bên ngoài. Các doanh nghiệp ngoại sẽ phải tuân theo chính sách của chính phủ là đào tạo các nhân công tay nghề cao, tuyển dụng đào tạo quản lý, lãnh đạo là người Việt Nam để điều hành doanh nghiệp.

Và khi số người lao động chân tay dần tiến lên lao động trí óc. Chính phủ cũng có lý do để gia tăng đầu tư đào tạo ra lớp lao động tri thức cao. Việc nhà nước xây dựng các khu công nghệ cao ở TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ,… những năm qua chính là kết quả.

Sự hy sinh của lực lượng lao động giá rẻ đông đảo ban đầu chính là nền móng giúp Việt Nam từng bước sở hữu một lực lượng lao động trí óc đông đảo, họ đã gián tiếp giúp một quốc gia bước ra từ trong chiến tranh có thể bứt phá đi tắt đón đầu với thế giới. Dòng vốn FDI vẫn đang không ngừng chảy vào Việt Nam, song song với việc này chính là số người trí thức trong nước đang ngày một tăng. Dân số tăng đang giúp ích rất nhiều cho đất nước.

Một lợi ích khác của đông dân và giữ được đà gia tăng dân số hằng năm đó là số người lao động làm ăn xa ở nước ngoài cũng sẽ đông đảo hơn. Chính phủ có dư địa để khuyến khích một lượng lớn người dân đi làm ăn xa. Chính sách xuất khẩu lao động hằng năm sẽ mang về một lượng kiều hối dồi dào cho Việt Nam.

Kiều hối đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Nhờ có số tiền ngoại hối mà đồng bào xa quê gửi về đã giúp chính phủ có một một lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Số tiền này được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như giảm thiểu sức ép tỷ giá của đồng đô la Mỹ lên VNĐ, không để đồng nội tệ bị trượt giá làm ảnh hưởng đến túi tiền người dân. Tính đến đầu năm 2022, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức 110 tỷ đô. Số tiền này là phao cứu sinh cho nền kinh tế khi giá cả thế giới leo thang chóng mặt do cuộc xung đột ở Châu Âu, tác động nghiêm trọng đến việc nhập khẩu nguyên liệu thô của Việt Nam. Xuất khẩu, dòng vốn FDI và Kiều hối đang là ba trụ cột chính trong việc gia tăng dự trữ ngoại hối Việt Nam.

Ngoài ra, số tiền ngoại hối gửi về còn giúp người trong nước có cuộc sống tốt hơn, dòng tiền còn được tái đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm, qua đó làm giảm bớt áp lực lên ngân sách an sinh xã hội quốc gia.

Tốc độ phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng, thậm chí là có nguy cơ nổ ra bất ổn về chính trị nếu như an ninh lương thực không chạy theo kịp tốc độ tăng dân số. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, khi 3/4 diện tích Việt Nam là đồi núi, số đất đồng bằng đã ít và đất dùng cho canh tác lại càng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có tác động của biến đổi khí hậu khiến các diện tích trồng lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập trong nước mặn, khí hậu nắng nóng tàn phá cây trồng, … sẽ khiến sản lượng ngày càng mất đi tính ổn định vốn có của nó.

Nếu không đảm bảo được sản lượng cần thiết cho nhu cầu trong nước. Thì hệ quả tất yếu xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, nguồn thu ngoại tệ sẽ giảm sút và kéo theo nhiều tác động phía sau lên ngân sách dự trữ quốc gia. Đây là một cuộc đua rất khó để thắng, nhất là khi yếu tố quan trọng nhất quyết định an ninh lương thực lại là khí hậu nhưng nó thì đang lao đao vì mức nhiệt tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải biến từ nguy thành cơ, từ những nền tảng và tiềm năng đã có sẵn.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều