+
Aa
-
like
comment

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945

30/08/2021 07:05

Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều dấu ấn sâu đậm khi đã trực tiếp cùng T.Ư Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đọc tuyên thệ tại lễ thành lập, ngày 22.12.1944 /// Ảnh tư liệu
Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đọc tuyên thệ tại lễ thành lập, ngày 22.12.1944

Thành lập Khu giải phóng

Trong quá trình chuẩn bị để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Võ Nguyên Giáp có nhiều thời gian làm việc bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cống hiến tiêu biểu của đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ này là đã dự thảo Nghị quyết “Về việc thành lập Khu giải phóng”.

Trong quá trình chuẩn bị, ông thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí trong phân khu ủy Nguyễn Huệ, cũng như các đồng chí hoạt động Cách mạng tại Tân Trào. Nhờ đó, bản dự thảo Nghị quyết sớm hoàn thành, là cơ sở quan trọng cho việc thành lập Khu giải phóng.

Nhớ về sự kiện này, Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi báo cáo lại với Bác và các anh những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Bác nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt, nhưng Bác nói chia các tỉnh ra làm nhiều chiến khu như thế rườm rà quá, không có lợi cho việc chỉ huy chung. Nay vùng giải phóng “ở miền ngược” đã … gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt là Quân giải phóng. Bác bàn với chúng tôi làm dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập hội nghị cán bộ toàn Khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác”.

Ngày 4.6.1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập hội nghị, tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tân Trào được chọn làm “Thủ đô Khu giải phóng”.

Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, do Hồ Chí Minh đứng đầu, Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực, đặc cách vấn đề quân sự.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Khu giải phóng ngày càng củng cố và phát triển. Giải phóng quân không ngừng chiến thắng, làm cho bọn Nhật bắt đầu e sợ. Thanh thế Việt Minh và Giải phóng quân ngày càng to”.

Sự phát triển về mọi mặt của Khu giải phóng mang dấu ấn đậm nét của đồng chí Võ Nguyên Giáp, là cống hiến nổi bật của đồng chí Võ Nguyên Giáp đối với quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Quân lệnh số 1

Tối 12.8.1945, sau khi nghe tin Nhật đã gửi công hàm cho đồng minh chấp nhận tuyên bố của Hội nghị Potsdam, Thường vụ T.Ư Đảng họp, quyết định phải mở ngay hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn kế hoạch cụ thể lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 - ảnh 1
Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26.8.1945, sau khi giành được chính quyền.

Cũng trong đêm 12.8.1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang và nhân dân trong vùng đứng lên khởi nghĩa.

Ngày 13.8.1945, T.Ư Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, gồm 5 người: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. 23 giờ cùng ngày, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Bản Quân lệnh số 1 là một văn kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Huy Liệu trong những ngày sống, làm việc tại Khu giải phóng Tuyên Quang cùng T.Ư Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tổng khởi nghĩa

Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân tổ chức tại Tân Trào. Đại hội chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đồng thời, quyết định thành lập “Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam” gồm 15 người, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp là thành viên.

Chiều 16.8.1945, tại cây đa Tân Trào, một đơn vị Giải phóng quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm lễ xuất phát tiến về phía nam.

Nhớ lại sự kiện đặc biệt này, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường. Trước mắt chúng tôi là lá “Cờ đỏ sao vàng” rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 - ảnh 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ phủ vào tháng 9.1945, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công.

Sáng ngày 17.8.1945, Ủy ban giải phóng dân tộc làm Lễ Tuyên thệ trước đình Tân Trào. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giải phóng dân tộc, hướng lên “Cờ đỏ sao vàng”, tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề”. Các thành viên của Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam đồng thanh hô to 3 lần “Xin thề!”.

Ngày 19.8.1945, trong khi Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phụ trách quân sự Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu với quân Nhật để giải phóng Thái Nguyên, thì Hà Nội – “Thủ phủ Đông Dương” thuộc Pháp và Nhật, với sự chủ động, sáng tạo, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi.

Nhớ về sự kiện này, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân từ Tân Trào đến Thái Nguyên bàn với chúng tôi nên về ngay Hà Nội, cùng các đồng chí ở Hà Nội chuẩn bị đón Chính phủ lâm thời. Một bộ phận Giải phóng quân được lệnh ở lại bao vây Thái Nguyên, còn chúng tôi tiến thẳng về Hà Nội”.

Ngày 22.8.1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp về đến Hà Nội, cùng T.Ư Đảng và Chính phủ chuẩn bị để tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập.

Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong tổng khởi nghĩa năm 1945 có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đồng chí không những có những cống hiến xuất sắc cùng T.Ư Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh họp bàn, đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước, mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Khu giải phóng vững mạnh.

Khi tổng khởi nghĩa diễn ra, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Thái Nguyên, sau đó về Hà Nội cùng T.Ư Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chuẩn bị những công việc cần kíp cho việc tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(Bài viết sử dụng từ kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”).

PGS – TS Nguyễn Danh Tiên (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Bài mới
Đọc nhiều