Đại hội XIII: Hiện thực khát vọng hùng cường
Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong một khí thế mới, lãnh đạo Hà Nội, TPHCM và Thái Nguyên bày tỏ tin tưởng, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển trong giai đoạn tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Tạo niềm tin, khí thế mới
Trong nhiệm kỳ qua, đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đặc biệt trong bối cảnh vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì, phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; Hà Nội đã cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố bằng 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 8 chương trình công tác lớn. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển. Có được kết quả này, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, đồng lòng, hưởng ứng rất cao của Nhân dân cả nước… Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, tôi tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Mở rộng không gian phát triển
Trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển thành phố.
Về chương trình đột phá đổi mới quản lý, Thành phố thể hiện sự chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập thành phố Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp Nhân dân thành phố tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.
Về đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải: Chuyển đổi số tạo đột phá
Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Thái Nguyên còn bộc lộ một số hạn chế.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thể hiện ý chí mạnh mẽ của hệ thống chính trị, là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số. Từ thực tiễn địa phương, Thái Nguyên xác định cần chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết đầu tiên trong chương trình công tác của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới chính là Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được BCH Đảng bộ thông qua vào ngày 31/12/2020 vừa qua, với mục tiêu phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố và năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Các giải pháp cụ thể tỉnh sẽ thực hiện là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tỉnh đặt ra yêu cầu đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị.
Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp số. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên. Triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị di động thông minh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Văn Kiên – L. Dũng – N Tuấn/ TPO