+
Aa
-
like
comment

Đại hội Đảng không chỉ là công việc nội bộ của Đảng

Hàn Nguyên - 07/07/2020 20:27

Những ngày gần đây, công tác Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang ở giai đoạn nước rút cuối cùng. Bên cạnh công tác cán bộ cho một nhiệm kỳ mới giai đoạn 2021-2026, Đại hội Đảng còn là nơi vạch ra đường lối, chính sách phát triển cho đất nước, đặc biệt là kinh tế-xã hội. Dù có tầm quan trọng lớn, có không ít người, trong đó có cả Đảng viên, đang chưa hiểu đúng về ý nghĩa và vai trò của Đại hội. Nghiêm trọng hơn, một số thành phần phá hoại thậm chí đã đưa ra những luận điệu cho rằng Đại hội chỉ có công tác cán bộ Đảng và không có giá trị gì trong việc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam.

Trên thực tế, nhìn lại bốn năm về trước, tại Đại hội Đảng lần thứ XII, văn kiện Nghị quyết Đại hội đã đặt ra những mục tiêu lớn cho phát triển kinh tế, mà quan trọng nhất trong đó là sự phát triển của kinh tế tư nhân (KTTN).

Vào thời điểm đó, sự thay đổi quan niệm về vai trò của KTTN có thể nói là một bước đột phá lớn về nhận thức của Đảng, khi ngay chính trong văn kiện đại hội đã khẳng định KTTN là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là chủ thể quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Chắc chắn nhiều người đang đặt câu hỏi: Vậy sau 4 năm đất nước đi theo đường lối phát triển KTTN theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi gì?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2019, từ năm 2016, có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới hằng năm. Chỉ tính riêng hai năm 2017-2018, đã có tới 258.134 doanh nghiệp thành lập mới, hơn 60.000 doanh nghiệp khác đang tạm ngừng hoạt động đã có thể quay trở lại, nhờ vào sự cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Gần gũi hơn, tần suất của những chương trình khởi nghiệp trên sóng truyền hình như “Shark Tank Việt Nam” chính là sự phản ánh trực quan nhất về tình hình KTTN trong những năm qua. Những màn “chốt deal” kịch tính, những thương vụ bạc tỷ, đang cho thấy một bức tranh môi trường KTTN rộng mở, đầy tiềm năng và triển vọng, những con người nuôi hoài bão lập nghiệp, dám nghĩ, và dám làm.

Bên cạnh sự hiện diện của những ‘startup’, giai đoạn 2016-2020 còn chứng kiến tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, hoán đổi vai trò của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động kinh tế. Nổi bật nhất trong số đó là “đại gia” Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn Sabeco. Được thành lập 145 năm về trước, Sabeco là một trong những doanh nghiệp nhà nước lâu đời nhất trong lịch sử. Đến tận năm 2012, 89,59% cổ phần của Sabeco vẫn thuộc về Bộ Công thương. Nhưng với định hướng từ Đại hội Đảng XII, năm 2018, Sabeco chính thức cổ phần hóa, bán lại 53,59% cổ phần cho hãng bia Thaibev của Thái Lan, thu về cho ngân sách Nhà nước 110.000 tỷ đồng (hơn 4.74 tỷ USD).

Vì lẽ đó, Đại hội Đảng không đơn thuần là một cuộc họp nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là cầu nối giữa Đảng và nhân dân. Đó là thời điểm để Đảng báo cáo những công tác của mình trong suốt năm năm qua trước toàn thể người dân. Những việc đã làm được, những gì chưa làm được, những điều cần phải nghĩ, phải làm, đều được đưa ra trình bày trước sự chứng kiến của người dân. Đây là nơi để Đảng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của các chuyên gia, là nơi để tiếng lòng của người Việt được nói cho những đầu tàu của đất nước, không có chỗ cho sự vị kỷ ở nơi này.

Thế nhưng, lại có những thế lực thù địch mà nổi bật trong đó là những thành phần cộm cán như Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Hùng cũng không “bỏ lỡ cơ hội” mà thêu lên những luận điệu đả kích, xuyên tạc ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội. Những bài viết với tiêu đề kích động, phản cảm như “khủng khiếp số tiền ngân sách chi cho đại hội”, “Ngân sách Quốc gia chứ không phải ngân sách của Đảng”, những cái tên quen thuộc lại tiếp tục chiêu bài cũ, kêu gọi sự xa rời giữa Đảng và Nhân dân.

Nhìn vào những lời lẽ ‘đao to búa lớn’, dễ dàng nhận thấy cái mà những “nhà hoạt động” nhắm tới chẳng hề có những mong muốn, nguyện vọng nào của người dân Việt Nam, mà chỉ là mưu đồ chia rẽ, tách rời sự đoàn kết dân tộc và sự gắn kết giữa Đảng và Dân, muốn xóa đi vai trò của Đảng – và theo đó là Đại hội Đảng – khỏi sự phát triển, đi lên của đất nước. Rắp tâm của họ, thực chất chỉ muốn biến công tác của Đảng thành chuyện ‘đèn nhà ai nấy sáng,’ chứ chẳng hề quan tâm đến việc đất nước, dân tộc đã và đang có được, làm được những gì, thực sự cần điều gì.

Hàn Nguyên

Bài mới
Đọc nhiều