+
Aa
-
like
comment

Đã đến lúc đập tan những cục máu đông!

Thu An - 10/11/2021 16:50

Ai cũng biết cơ thể sẽ mệt mỏi nếu tồn tại những cục máu đông ở mỗi huyệt đạo. Dù nhỏ nhưng sức ảnh hưởng rất lớn. Cũng giống như bộ máy nhà nước vậy, sẽ không thể nào vận hành trơn tru nếu xuất hiện những cục máu đông ở bất kì bộ, ban, ngành nào. Và sự việc 22.000 lon sữa vừa qua là một ví dụ rất điển hình về những cục máu đông đó.

Đất nước khó khăn vì đại dịch, đồng bào Úc sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, gửi tặng trẻ em TP.HCM 22.000 lon sữa. Ấy thế mà khi trẻ em đang vô cùng khát sữa vì giãn cách nghiêm ngặt thì Cục an toàn thực phẩm lại đá quả bóng sang cho Chính phủ. Để rồi cho đến thời điểm này lô hàng cứu trợ đã về được gần một tháng vẫn chưa được lấy ra. Dư luận vẫn đau đáu câu hỏi vậy sự trì trệ này cuối cùng thuộc về lỗi của ai?

Sự việc này khiến chúng ta liên tưởng tới vụ hàng chục xe cứu thương đã qua sử dụng được viện trợ về Việt Nam để hỗ trợ cho lần bùng dịch mạnh nhất ở TP.HCM. Tuy nhiên, dù Chính phủ đã đồng ý nhưng vẫn vướng mắc ở Sở y tế dẫn đến hậu quả đau lòng là hàng về đến Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại. Và cho đến nay trách nhiệm vẫn đang chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Như Bí thư Nguyễn Văn Nên đã nói, đại dịch cho thấy rõ phẩm chất tốt đẹp, tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao của nhiều cán bộ, công chức. Đồng thời cũng bộc lộ hạn chế, yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong bộ máy.

Phẩm chất tốt đẹp, những sự hy sinh mất mát đã được nói đủ và tri ân. Cái đáng bàn là những yếu kém bị bộc lộ sẽ được xử lý như thế nào?

Như vừa qua, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có một hướng đi mới chấm dứt tình trạng trì trệ, đá bóng ở các địa phương trong công tác phòng chống dịch là giao thẳng quyền hạn và nghĩa vụ. Có nghĩa là để lãnh đạo các địa phương thay đổi tư duy chống dịch. Từ chỗ nặng về tư duy quản lý sang tư duy quản trị xã hội, huy động và thực thi quyền lực được giao một cách tốt nhất. Và minh chứng rõ ràng là, lãnh đạo các địa phương đã có những quy định để vận hành thông suốt mà không phải mỗi nơi làm một kiểu, để không còn cảnh Bộ Giao thông vận tải phải xin phép địa phương mới nối lại được đường bay, để mạch máu giao thông của quốc gia không còn bị chặt ra từng khúc bởi những tờ giấy thông hành từ các địa phương.

Thực ra, Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng không phải là mới. Nó thể hiện đúng yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đưa ra về việc 6 dám mà cán bộ phải thực hiện. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách. Tuy nhiên, không phải chỉ có quy định mà Bộ Chính trị cũng đưa ra một “tấm áo giáp” để cho cán bộ tâm huyết trách nhiệm với công việc chung, thêm vững tin, thêm quyết liệt trong đổi mới, sáng tạo. Đó là quy định, sẽ miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ khi thực hiện đúng chủ trương mà không đạt kết quả đề ra, nhưng có động cơ trong sáng vì lợi ích chung.

Với những quy định đã có, hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục mạnh tay hơn nữa để cắt bỏ những cục máu đông làm bế tắc cả hệ thống. Cần phải loại bỏ ngay những cán bộ lừng chừng, dè dặt, sợ trách nhiệm, không biết lo trước nỗi lo của dân, không biết sốt ruột trước lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều