+
Aa
-
like
comment

Cựu chiến binh cùng giúp nhau lập nghiệp, làm giàu

23/12/2019 16:57

Nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 391, Binh đoàn 12 tham gia mở Đường chiến lược N2 (sau này gọi là Đường 279-tuyến đường chiến lược vành đai 2 từ Uông Bí (Quảng Ninh), đi qua 10 tỉnh biên giới phía Bắc, kết thúc ở cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên), sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh (CCB) Trần Trọng Bình (quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã chọn ở lại mảnh đất Mộc Châu (Sơn La) lập nghiệp.

Bao năm mưu sinh vất vả, làm kinh tế nhỏ lẻ theo hộ gia đình không đem lại hiệu quả cao, năm 2010, ông Bình đứng ra liên kết với các CCB trên địa bàn thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ CCB Mộc Châu để cùng nhau lập nghiệp.

Ông Trần Trọng Bình giới thiệu một số sản phẩm của HTX Dịch vụ cựu chiến binh Mộc Châu.

Buổi đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, ngành nghề chủ yếu là đầu tư khai thác mật ong, nấu cao ngựa bạch, chế biến sản phẩm trái cây và phát triển các loại cây ăn trái. Có lợi thế lớn về đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tiềm năng phát triển của HTX khá lớn, nhưng theo ông Bình, vấn đề then chốt vẫn là “vốn” để HTX duy trì và phát triển. Để giải bài toán này và tránh bài học “giải thể” của nhiều HTX trước đó, ông Bình hiểu rằng, mình phải là đầu tàu gương mẫu trong việc đóng góp vốn, tìm kiếm thị trường và minh bạch trong quản lý. Bằng nhiệt huyết của mình và hiệu quả của HTX đem lại, đến nay HTX đã có 22 thành viên tham gia.

Hiện tại, việc nuôi ong lấy mật và các sản phẩm từ mật ong được HTX xác định là hướng đi chính với 1.500 tổ ong. Ông Bình cho biết: “Ong là loài vật nuôi có thế mạnh, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Mật ong của HTX luôn tuân theo đúng quy định kỹ thuật, như địa điểm nuôi phải ở nơi có không gian rộng rãi, trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại. Tránh đặt ong gần các cơ sở chế biến đường thủ công; thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh”.

Trong quá trình sản xuất, HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả nuôi ong, như xây dựng vùng nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc và thương hiệu. Các thành viên luôn tuân thủ quy trình nuôi ong an toàn một cách chặt chẽ, nhờ vậy, sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX được Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, HTX xuất bán từ 100 đến 130 tấn mật ong, thu về hơn 5 tỷ đồng.

Để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của HTX, CCB Trần Trọng Bình không quản vất vả, xa xôi, hễ ở đâu có hội chợ hàng nông sản là ông xin phép địa phương được mở gian hàng giới thiệu sản phẩm: Mật ong rừng, hoa quả sấy, cao ngựa bạch… đến người tiêu dùng. Với hướng đi, cách làm đúng đắn, mỗi năm trừ chi phí, các thành viên HTX thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng. Hiệu quả từ khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong của HTX, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện đã học tập và triển khai nhân rộng mô hình sang các khu vực khác.

Bài và ảnh: DUY THÀNH/ QDND

Bài mới
Đọc nhiều