Cuộc soán ngôi ngoạn mục của Việt Nam, và cú lội ngược dòng trở thành một trong các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới

Vừa bước qua những ngày tháng đầu tiên của năm Nhâm Dần, Việt Nam đang nhận được vô số tín hiệu khởi sắc đến từ giới truyền thông quốc tế và các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới. Từ những dự đóan trên có thể thấy đây sẽ là một năm tràn đầy hy vọng cho nền kinh tế Việt Nam sau những khó khăn đã qua.

Cùng với Moody’s và Standard & Poor’s, Fitch Ratings được coi là “Ba ông lớn xếp hạng tín dụng” lớn và uy tín hàng đầu thế giới vừa qua đã công bố báo cáo thẩm định mới nhất Vietnam Banks – Peer Review 2022. Qua đó tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng kinh tế và tài chính – ngân hàng của Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh”, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới Fitch Ratings.

Theo Fitch Ratings, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng lịch sử chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam làm giảm nguy cơ bùng phát các đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng mới đe dọa đảo ngược đà phục hồi kinh tế đất nước.

Lý giải về mức dự báo GDP tăng cao lên 7,9% năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 của Việt Nam, Fitch cho rằng, điều này phần nào chịu sự thôi thúc dồn nén từ mức tăng trưởng thấp năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ít bị tổn thương về kinh tế hơn nếu đem ra so sánh với các thị trường mới nổi khác khi “đây là một trong số ít các quốc gia không bị sụt giảm GDP quá nghiêm trọng xuống mức âm hàng năm do khủng hoảng từ cú sốc Covid-19” như nhiều nước.

Nếu có thể đạt mức tăng trưởng 7,9% như Fitch Ratings dự báo, đây sẽ là kỳ tích kinh tế của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng để có cú lội ngược dòng lịch sử như cách đất nước này từng khiến thế giới kinh ngạc với mức tăng trưởng kinh tế cao và nhanh hàng đầu thế giới thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Không chỉ Fitch Ratings, Vina Capital cũng đã có báo cáo “Hướng về tương lai 2022” đưa ra những dự đoán vô cùng lạc quan về kinh tế Việt Nam với mức độ hồi phục đáng nể. Theo đó, các chuyên gia kinh tế của VinaCapital ước tính GDP Việt Nam sẽ từ mức 2,6% năm 2021 tăng mạnh lên 7-7,5% vào năm 2022 và tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay.

Theo VinaCapital, điểm hấp dẫn chính của Việt Nam với vị thế là điểm đến thu hút FDI đến từ thực tế rằng chi phí thuê nhân công nhà máy ở Việt Nam chỉ thấp bằng một phần ba ở Trung Quốc, nhưng chất lượng của nguồn lực lao động này thì tương đương với Trung Quốc, dựa theo đánh giá của báo cáo do JETRO và các bên khác thực hiện. Một yếu tố khác là vị trị địa lí của Việt Nam gần với những chuỗi cung ứng ở Châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao

Nhìn xa hơn, ngày càng nhiều những công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình bên ngoài Trung Quốc vì những lý do khác nhau, bao gồm cả động thái của Mỹ trong việc duy trì thuế bảo hộ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ trong lúc căng thẳng giữa 2 quốc gia đang leo thang.

7,5% cũng là mức GDP dự đoán mà Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa công bố báo cáo dự đoán GDP 2022 của ASEAN 3+ dành cho Việt Nam.

Theo AMRO, trong các nước ASEAN, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực, với mức 7,5% trong năm 2022. Mức dự báo này đã đưa Việt Nam vượt qua Malaysia (6,0%), Campuchia (5,2%), Singapore (4%) và Thái Lan (3,6%),… để đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Vừa qua, trang Sputnik của Nga và CNBC đều có chung nhận định về làn sóng tẩy chay và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng trên thế giới, qua đó nhận định Việt Nam đang dần được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới.

Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “made in Vietnam” soán ngôi hàng “made in China” và ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế, tâm thế, vị thế của hàng hóa Việt Nam nhất là khối FDI ngày càng được nâng cao.

Với việc các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD ngay những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.

Theo CNBC, Doanh nghiệp FDI tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Bên cạnh đó, những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI.

Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam càng được khẳng định thông qua những nhận định đến từ các doanh nghiệp Châu Âu. Hiện có gần một nửa số lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới, so với chưa đầy 1/5 (19%) được ghi nhận trong quý 2, trang Scand Asia cho biết.

Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết: “Mặc dù BCI vẫn ở mức thấp nhưng điều quan trọng nhất là chỉ số hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên”.

Ngày 9/2, U.S. News & World Report, hợp tác với BAV Group và Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, đã lập ra phương pháp xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới (Most Powerful Countries), nằm trong khuôn khổ báo cáo thường niên Best Countries Rankings (Quốc gia tốt nhất) của tổ chức này.

Bỏ qua những khủng hoảng do Covid-19 đem đến, kinh tế, xã hội và du lịch Việt Nam vẫn có những bước tiến đáng ngạc nhiên so với mặt bằng chung thế giới. Điều này đã được khẳng định thông qua vị trí 25 trên BXH các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới mà U.S News công bố.

Trong bảng xếp hạng về sự hùng mạnh/quyền lực, Việt Nam đứng thứ 25 thế giới, thứ 10 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore. Việt Nam có thứ hạng cao hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Theo đánh giá của U.S. News và World Report, tuy ảnh hưởng về quy mô kinh tế của Việt Nam chưa ở mức cao nhưng lại có thế mạnh về xuất khẩu.

Cũng trong báo cáo Best Countries Ranking, Việt Nam có thứ hạng khá cao về mức độ cởi mở với khởi nghiệp, với chi phí lao động rẻ, đứng thứ 21/80 quốc gia. Việt Nam đứng thứ 25/80 về di sản văn hóa, với đồ ăn ngon, lịch sử phong phú và nhiều danh lam thắng cảnh. Về chất lượng cuộc sống, Việt Nam đứng thứ 32/80, với giá cả rất phải chăng.

Trên bảng xếp hạng chung (Overall Rankings), Việt Nam đang ở vị trí thứ 40. Với quy mô GDP đạt khoảng 262 tỷ USD và GDP đầu người theo sức mua tương đương (GDP (PPP) per capita) khoảng 8,381 USD.

Thực hiện: Bảo Trâm

Đồ họa: M.N