+
Aa
-
like
comment

“Cuộc chiến” phí SMS Banking ngã ngũ sau khi bị phản ứng gay gắt

02/03/2022 14:18

Sau cuộc họp giữa các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, hai bên đã thống nhất tính phí trọn gói 10.000 đồng đến 11.000 đồng cho 1 khách hàng/1tháng sử dụng SMS Banking.

Sau khi sự việc phí dịch vụ tin nhắn ngân hàng SMS Banking tăng mạnh gấp 5-7 lần lên 55.000 đồng và 77.000 đồng tháng 1 vừa qua gây bức xúc cho khách hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Hội thảo trao đổi (trực tuyến) để giải quyết vấn đề này.

"cuộc chiến" phí sms banking ngã ngũ: sẽ giảm về mức cũ 11.000 đồng/tháng
Phí dịch vụ tin nhắn ngân hàng tăng lên 77.000 đồng/tháng khiến khách hàng bức xúc

Sau nhiều năm vấn đề được đưa ra, cuộc trao đổi lần đầu tiên có sự tham gia đầy đủ của các bên: Hiệp hội Ngân hàng, Bộ Thông tin Truyền thông; Đại diện các ngân hàng; Đại diện của 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, VNPT và Mobifone.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hiện nay các ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS.

“Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã miễn phí toàn bộ cước phí cho khách hàng thì cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của các nhà mạng cần phải xem xét lại”, ông Hùng nói.

Trên thực tế, vấn đề này cũng được Hiệp hội thay mặt các ngân hàng kiến nghị với Bộ Thông tin Truyền thông và các nhà mạng không dưới 4 lần tuy nhiên đều không nhận được câu trả lời thoả đáng.

Quý III/2021, đại diện Hiệp hội ngân hàng cũng tuyên bố nếu các nhà mạng không giảm cước phí tin nhắn thu của ngân hàng, các ngân hàng buộc phải nâng cước phí dịch vụ SMS Banking thu của khách hàng, từ đó dẫn tới việc phí SMS Banking nhiều ngân hàng lớn đồng loạt tăng từ 11.000 đồng/tháng/khách hàng lên 55.0000 đồng và 77.000 đồng từ tháng 1/2022.

Trong khi đó, các dịch vụ khác lại được ngân hàng miễm giảm mạnh. Điều này dẫn tới sự chênh lệch quá lớn trong tương quan so sánh phí giữa các dịch vụ ngân hàng điện tử và SMS Banking, khiến phí SMS Banking chiếm 30-50% tổng phí dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng một tháng.

Cũng chính điều này đã gây bức xúc cho khàng hàng và khiến dư luận lên tiếng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng kêu gọi khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo miễn phí được tích hợp trên ứng dụng ngân hàng điện tử. Nếu khách hàng huỷ dịch vụ SMS banking không chỉ ngân hàng mà bản thân nhà mạng cũng thất thu.

Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin truyền thông) cũng đưa ra quan điểm mong muốn các ngân hàng cùng các doanh nghiệp Viễn thông phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và khách hàng.

Các ngân hàng và nhà mạng đã thống nhất được mức thu chung cho dịch vụ SMS Banking là 11.000 đồng/tháng.

Theo đó, đại diện 3 nhà mạng lớn thừa nhận áp dụng mức phí 700-800 đồng/tin nhắn trước nay vẫn thu là cao hơn mức phí đối với cá nhân.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng giải thích là do các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ,… nên buộc phải thu cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.

Để giảm chi phí cho ngân hàng và mang lại lợi ích cho khách hàng, đại diện Viettel đã đưa ra giải pháp tính phí trọn gói từ 10.000 đồng đến 11.000 đồng cho 1 khách hàng/1tháng sử dụng dịch vụ SMS của ngân hàng và không giới hạn số lượng SMS trong tháng…

Riêng về tin nhắn giả mạo, các nhà mạng cho rằng đây không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị (điện thoại) của cá nhân khi kết nối với các thiết bị thu (BTS) của Hacker sẽ bị các Hacker lấy cắp thông tin (do các điện thoại tại Việt Nam hiện vẫn chấp nhận giao thức công nghệ mạng 1G, 2G,… có độ bảo mật thấp nên dễ bị lấy cắp thông tin).

Theo thống kê từ các ngân hàng, 70% lượng tin nhắn là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP.

Bài mới
Đọc nhiều