Công ty F88 cho vay nặng lãi, người vay có được ‘xóa nợ’?!
Nhiều khách hàng thắc mắc khi công an đang điều tra sai phạm ở Công ty F88 thì các khoản vay họ có phải trả?
Kể cả khi Công ty F88 dừng hoạt động, người vay vẫn phải trả nợ
Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay là: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy nếu vay tiền của F88 có hợp đồng vay và có nghĩa vụ hoàn trả theo thời hạn nhất định thì người vay vẫn có nghĩa vụ trả tiền. Việc Công ty F88 bị điều tra sẽ tạm thời chưa có ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả khoản tiền nợ của người vay. Nếu người vay không trả do không có khả năng thanh toán thì Công ty F88 hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này phải khởi kiện dân sự, yêu cầu thi hành án để thu hồi số tiền này.
Trong trường hợp Công ty F88 bị giải thể, đối với những khoản tiền cho vay chưa được thanh toán sẽ phải xử lý như sau: Theo quy định tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 hồ sơ giải thể công ty cổ phần gồm các giấy tờ sau đây: Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Như vậy, đối với những khoản cho vay khi giải thể thì bên vay vẫn sẽ có nghĩa vụ trả cho phía Công ty F88.
Nếu khoản lãi cao hơn quy định thì người vay sẽ không phải trả
Về khoản lãi nếu phù hợp với quy định pháp luật (nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đó là không quá 20%/năm theo điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015) thì vẫn có hiệu lực và người vay phải có nghĩa vụ phải thanh toán theo đúng các thỏa thuận với Công ty F88.
Trường hợp khoản lãi người vay cao hơn quy định mà người vay đã trả cho Công ty F88 thì đây được xác định là khoản thu lợi bất chính của Công ty F88 cơ quan chức năng sẽ sung công quỹ khoản tiền này.
Tuy nhiên, người cho vay hiếm khi ghi nhận rõ ràng mức lãi suất thực tế, mà thường ẩn giấu dưới cách thức khác nhau như: Giữ lại 1 phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, tính các loại phí ngoài lãi, như phí thẩm định khoản vay, phí thẩm định tài sản, phí bảo quản tài sản, lãi suất phạt vi phạm, ghi một con số thấp nhưng thu lãi cao hơn. Do vậy cơ quan công an sẽ điều tra, làm rõ dấu hiệu “tín dụng đen” của Công ty F88 để xem xét xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hạ Băng