Công tác tuyên giáo cần tiếp tục ‘đi trước – mở đường’
Công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng và phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng đã khẳng định như vậy khi kết luận hội thảo khoa học “Công tác tuyên giáo của Đảng – 90 năm chặng đường vẻ vang thành tựu và tầm nhìn” (do Hội đồng lý luận trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 15-7).
Tổng kết thực tiễn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận
Theo ông Thưởng, hội thảo đã được chuẩn bị công phu suốt nửa năm qua, có hơn 90 bài tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các thời kỳ, các nhà nghiên cứu gửi ban tổ chức.
“Các bài tham luận đã khái quát lịch sử vẻ vang của ngành tuyên giáo 90 năm qua, khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ ngành tuyên giáo qua các thời kỳ. Tổng kết, rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, những nhiệm vụ và giải pháp, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới”.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương khẳng định công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Những đóng góp toàn diện, quan trọng của công tác tuyên giáo đã góp vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối đổi mới của Đảng; xây dựng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Thưởng, tại hội thảo, nhiều tham luận đã phân tích, đánh giá về thành tựu của ngành tuyên giáo, rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá về sự kiên định, kiên trung và kiên trì, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Đó là kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, khu vực và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng công tác tuyên giáo cần coi trọng việc tổng kết thực tiễn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận, góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách, giải đáp kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới, bức xúc mà thực tiễn đặt ra; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác tuyên giáo.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống giáo điều, cơ hội, xét lại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
“Công tác tuyên giáo là công tác với con người, vì con người, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” – ông Thưởng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho rằng thời gian tới, ngành tuyên giáo phải tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần trực tiếp hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc.
Ngành tuyên giáo cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định về bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, khoa giáo, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa, văn nghệ, nắm bắt dư luận xã hội và góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm…
“Công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, các cấp, các ngành, không thể “khoán trắng”, “phó mặc” cho cơ quan tuyên giáo các cấp.
Mong muốn cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” – ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
ĐỨC BÌNH/TTO