Công tác cán bộ và chỉ đạo “3 không” của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
“Trăm dâu đổ đầu lãnh đạo”, những cán bộ, lãnh đạo mới được bầu chọn vào vị trí Bí thư của các tỉnh, thành, vinh dự lớn mà trách nhiệm cũng rất nặng nề. Dẫu một nhiệm kỳ thời gian không nhiều, nhưng những người đứng đầu tại các địa phương cần phải làm được việc để dân tin tưởng. Nói ra như vậy để thấy việc chọn đúng người đứng đầu các địa phương là cả một kỳ công, bởi đây chính là bộ mặt cho bộ máy công quyền. Mà như lời của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng nói: “Chọn được người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt”.
Đã có 67/67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Qua việc tổ chức đại hội cho thấy các cấp ủy đã tổ chức công tác bầu chọn nhân sự nghiêm túc, minh bạch theo đúng Quy định 205 “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền”. Song nhìn đến cùng thì những nội dung trong quy định được đề ra không có nghĩa là thực hiện theo quy trình này sẽ giải quyết, khắc phục được tất cả những hạn chế trong công tác cán bộ. Nhìn công tác cán bộ thời gian qua cho dù đúng quy trình chọn lựa vẫn cứ để “lọt lưới” những người chưa xứng đáng, gây bức xúc trong dư luận. Cứ nhìn những cán bộ sai phạm bị đưa ánh sáng trong thời gian qua như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều là cán bộ được tuyển chọn đúng quy trình cả, nhưng rồi tư lợi, tha hóa.
Đã khoác áo “công bộc” mà còn sa vào vụ lợi, tham nhũng, được trao trọng trách mà thao túng quyền lực, khuynh đảo làm giàu trên lợi ích của dân, của nước thì sao có thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến cho rằng, khi trao quyền hạn đặc biệt cho người đứng đầu thì dứt khoát không được buông lỏng, để lãnh đạo thoải mái, phóng tay mà không ai giám sát.
Muốn kiểm soát quyền lực thành công thì không thể dựa vào đạo đức của người đứng đầu mà dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế. Việc này khó nhưng “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, như lời của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng mới đây. Việc chọn lựa những người đứng đầu các tỉnh, thành, địa phương rất hệ trọng. Đó chính là những cây cột chính, những chiếc xà vững vàng cho đất nước. Nếu chọn nhầm cái cột, cái xà sẽ là nguy hại cho cả ngôi nhà lớn. Nhất là sắp tới đây sẽ diễn ra Đại hội Đảng khóa XIII, Ban Tổ chức Trung ương Đảng phải tham mưu có hiệu quả phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng bảo đảm “trong ấm, ngoài êm” với mục tiêu “xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương, một Bộ Chính trị, một Ban Bí thư mạnh, gánh vác trọng trách mà người dân giao phó”.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng phát biểu ở hội nghị bàn về công tác tổ chức: “Hiệu quả công việc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đánh giá đức, tài của một cán bộ”. Lời nói đó đến nay vẫn còn giá trị. Chúng ta không thể đưa vào cơ quan lãnh đạo các cấp nhất là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước những cán bộ “hữu danh vô thực”. Quan trọng nhất là không thể để những cán bộ có biểu hiện cơ hội, tiêu cực, vụ lợi, bị lợi ích nhóm thao túng, lũng đoạn để vụ lợi cho gia đình, bản thân.
Vậy nên, không phải các tỉnh, thành kết thúc đại hội, bầu chọn Bí thư xong là xong, mà hơn hết đó là tăng cường giám sát việc điều hành, quản lý công việc của những người được lựa chọn. Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng pháp luật, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao anh không dám làm”.
Thế Khoa