Công tác bảo vệ Bác Hồ và Đại hội II của Đảng
Khi đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân, dân ta đã bước vào năm thứ 5. Từ cuối năm 1950, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận đã chuyển về làm việc tập trung tại Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (sau đây viết tắt là Đại hội II). Còn cơ quan CQ41 (bí danh cơ quan văn phòng Phủ Chủ tịch) chuyển về làng Mạ, xã Yên Quyết, huyện chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Theo kế hoạch tổ chức Đại hội II, anh em bảo vệ phải nghiên cứu, tìm cách đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển từ Bắc Kạn đến Tuyên Quang theo một tuyến đường kín đáo, an toàn nhất. Nếu đi theo quốc lộ thì quá thuận tiện và nhanh chóng nhưng lại rất nguy hiểm vì đây là tuyến giao thông trọng điểm nên mật thám, chỉ điểm, máy bay trinh sát, biệt kích của địch tập trung nhòm ngó, rà soát ngày đêm. Bởi vậy, phải nghiên cứu tìm ra một tuyến đường mà cả địch dưới đất và trên trời đều không thể biết.
Cuối cùng, anh em bảo vệ đã tìm ra một phương án tối ưu: đó là sử dụng những con đường đi riêng của người dân bản địa, đường qua vùng nào thì chỉ người của vùng đó mới biết, người vùng bên cạnh cũng không thể biết. Như vậy vừa vô cùng an toàn, vừa bảo mật gần như tuyệt đối. Anh em đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ngựa từ Yên Quyết đến Đầm Hồng, sau đó xuống đò đi Chiêm Hóa. Đầu tháng 1-1951, Người chuyển đến ở và làm việc tại căn lán nhỏ trên đồi Cốc Xả, thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa.
Tối 5-2-1951 (29 tết – năm thiếu – Tân Mão), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp gỡ và dự liên hoan tất niên với các thành viên trong Hội đồng Chính phủ (HĐCP). Sáng sớm 6-2 (mồng 1 tết), Người đến tận phòng các Bộ trưởng, Thứ trưởng chúc tết từng vị. Buổi sáng tiếp khách, buổi chiều họp HĐCP, buổi tối Người dự liên hoan văn nghệ lửa trại với các thành viên HĐCP theo phong cách của Hướng đạo sinh mà Người đã nhận làm Chủ tịch danh dự của Hội ngày 31-5-1946. Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy khum tay làm loa dõng dạc: “Loa! Loa! Loa! Làng trên xóm dưới nghe đây: Lửa trại mừng năm mới Tân Mão bắt đầu! Xin mời Già Hồ hát một bài ca khai mạc để lửa trại bừng sáng!”.
Mọi người đều ngạc nhiên, thích thú khi thấy Già Hồ bước ra, khuỳnh hai tay đánh nhịp rồi cất giọng hát: “Anh hùng xưa nhớ thời niên thiếu… Dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình giúp nước…”. Đây chính là bài hát tôn chỉ của Hướng đạo sinh Việt Nam! Các khán giả ồ lên, đánh nhịp, hát phụ họa, rồi cười nắc nẻ. Tiếp theo chương trình, Già Hồ giới thiệu đồng chí Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ ra biểu diễn! Vị này chạy quanh đống lửa, mồm kêu như tiếng máy bay đi chúc tết để kiếm cớ mời Già Hồ nói chuyện với đồng bào? Nhưng, Già Hồ lại ôm ngực than phiền: “Cái tàu bay của chú Hưng xóc quá nên Già mệt, xin ủy quyền cho chú ấy nói chuyện thay!”. Mọi người lại ồ lên cười nắc nẻ, quên cả đêm khuya giá rét…
Sau khi kết thúc phiên họp HĐCP, chiều 7-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu di chuyển đến địa điểm tổ chức Đại hội II ở xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Bảo vệ tiếp cận Người đi dự Đại hội II có đồng chí Tạ Quang Chiến và Long Văn Nhất. Sau, trên đường về cơ quan có thêm đồng chí Phan Châu và nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định.
Để chuẩn bị khâu hậu cần phục vụ Đại hội II, hơn 300 cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc cùng bộ đội, nhân dân các dân tộc chung tay góp sức xây dựng khu hội trường trên đồi Nà Loáng. Trong vòng 4 tháng đã hoàn thành 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá và chia thành các khu vực: Bộ Chính trị, đại biểu chính thức, khách quốc tế và khu hậu cần. Hội trường nằm ở khu trung tâm Đại hội, bên trái là đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, bên phải, cách 30m là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo kiểu nhà sàn trên 6 cột gỗ, cao hơn mặt đất chừng 1m. Cách đó không xa là nhà của đội bảo vệ nằm trên một khu đất mấp mô, sàn nứa, cửa nhìn về phía hội trường.
Công tác bảo vệ cho Đại hội II và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt được Trung ương chú trọng. Đầu tháng 1-1951, Trung ương đã điều một trung đoàn khoảng 600 chiến sĩ lên Kim Bình làm nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp cho Đại hội II. Trung đoàn này được bố trí ở tại các gia đình trong thôn Phú An, vừa chuẩn bị chọn vị trí bảo vệ thích hợp, vừa tham gia các công tác khác cùng cán bộ và nhân dân địa phương.
Các điểm chốt bảo vệ an toàn cho Đại hội II gồm các đỉnh núi bao bọc khu Nà Loáng thành những bức tường vững chắc như núi Khặm Khuật cao 1.500m có thể quan sát toàn bộ các thôn bên dưới; núi Trai Mặt cao 2.500m thuận tiện cho bố trí lực lượng phòng không tầm cao; đồi Pù Méo có nhiều rừng già và cây cổ thụ có thể đặt hỏa lực phòng không 12 ly 7 bảo vệ Kim Bình…; ngoài ra còn hệ thống giao thông hào quanh các điểm chốt đặt súng trường, lựu đạn, trung liên với hầm sâu 1m, rộng 0,8m và một trạm bảo vệ phối hợp giữa đơn vị chủ lực với du kích đặt ở Phú An. Đài quan sát được bố trí ở các đỉnh núi Pù Mí, Pù Choong có độ cao 1.300m, cách khu Đại hội khoảng 700m. Tại đây, các đơn vị bảo vệ dựng những lán tranh, tre, nứa, lá rộng khoảng 12m2 để trực chiến suốt ngày đêm. Tại trạm gác thôn Bó Củng nằm trên con đường chính đi vào khu Đại hội là điểm phối hợp giữa bộ đội chủ lực và du kích địa phương. Trạm gác này có nhiệm vụ phòng gian, bảo mật, giữ gìn an ninh, kiểm tra giấy tờ của các đại biểu khi ra vào khu vực Đại hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng đều về thôn Phú An làm việc chuẩn bị tiến hành Đại hội. Để đảm bảo bí mật, hằng ngày Người ra khu Đại hội làm việc, trừ những hôm quá bận rộn thì Người nghỉ luôn tại căn lán nhỏ cạnh khu Đại hội, còn thường thì tối Người về nghỉ tại nhà cụ Nguyễn Xương Thành nằm ở thung lũng Khau Tao, cách trung tâm Đại hội khoảng 1km. Đây là khu vực rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ, chỉ có gia đình cụ Thành sinh sống trong một ngôi nhà sàn 3 gian 1 chái.
Trong thời gian ở Kim Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mặc bộ quần áo xanh chàm của đồng bào dân tộc, đồng cam cộng khổ với đồng bào, đồng chí, ít ai nhận ra được cụ ké chính là Chủ tịch nước, vì vậy mới có câu chuyện sau: Chiến sĩ Lý Phúc Nha được đại đội trưởng phân công bảo vệ và kiểm tra giấy tờ lối vào khu hội trường. Nha thấy một cụ già người gầy, đội nón cũ, quần xắn đến đầu gối, chân đi dép cao su, vai mang túi vải xăm xăm đi về phía mình và hỏi: “Chú gác đây à?”, rồi định bước vào khu vực bảo vệ. Nha bối rối vội nói: “Cụ cho cháu xem giấy ra vào ạ!”. “Bác đây mà, chú cũng hỏi giấy ư?”.
Vừa lúc đó có một cán bộ đi đến cũng bảo Nha: “Bác đấy, thế mà đồng chí cũng hỏi giấy thì lạ thật”. Nha vẫn cương quyết: “Bác cũng phải có giấy mà! Có giấy mới được vào mà?”. Vị cán bộ cáu, toan gắt với Nha thì ông cụ đã bảo anh ta đi gọi đại đội trưởng rồi ôn tồn hỏi Nha: “Chú người dân tộc gì? Quê ở đâu? Vào bộ đội lâu chưa?”. Lúc này, Nha mới thấy cụ quen quen, thái độ thân tình nên thưa: “Dạ, cháu người Sán Chỉ, quê ở Thái Nguyên, vào bộ đội được hơn một năm rồi ạ!”.
Đúng lúc ấy, đại đội trưởng chạy tới, hốt hoảng: “Bác Hồ đấy mà, sao đồng chí không để Bác vào?”. Nha vừa vui mừng vì được gặp Bác, vừa bối rối tự trách mình đi hỏi giấy tờ của Bác. Nhưng, Người tươi cười bảo: “Chú làm nhiệm vụ như vậy là tốt”. Nghe vậy, Nha mới hết lo.
Sáng hôm sau, hết giờ tập thể dục, Người cho gọi Nha và cán bộ chỉ huy lên gặp. Người tự tay rót nước mời và lấy ra một tấm ảnh, ghi mấy chữ vào mặt sau, trao cho Lý Phúc Nha và nói: “Chú Nha mới vào bộ đội chưa biết Bác. Hôm qua thấy Bác không có giấy nên không cho vào nơi quy định, như vậy là đúng và đáng khen. Bác thưởng chú Nha chiếc ảnh của Bác. Còn đại đội trưởng và chính trị viên trao nhiệm vụ cho chiến sĩ chưa rõ, lại chưa giới thiệu cho chiến sĩ biết Bác, làm trở ngại đến công việc, Bác phê bình!”.
Ngày 11-2-1951, lúc 8h, Đại hội II của Đảng chính thức khai mạc và bế mạc vào ngày 19-2. Công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo và tổ chức một cách khoa học, an toàn, bí mật đã góp phần làm cho Đại hội II thành công tốt đẹp.
Đỗ Hoàng Linh (nguyên Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)