San Jose Spotlight: Cộng đồng gốc Việt ở San Jose chật vật vì Covid-19
Người gốc Việt dường như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cộng đồng gốc Á ở San Jose vì Covid-19, dù dữ liệu chính thức không công bố.
Vào một ngày đẹp trời tháng 12, mặt trời rọi vào những gương mặt đang đi bộ vào Trung tâm Thương mại Grand Century Mall ở thành phố San Jose, hạt Santa Clara, bang California. Trong một trung tâm từng tấp nập người mua sắm, đặc biệt là người gốc Việt, hầu hết các chủ cửa hàng và nhân viên đều cùng làm một việc: dọn dẹp, chuẩn bị các đơn gửi đi cho khách hàng.
San Jose là nơi sinh sống của hơn 100.000 người gốc Việt, tính đến năm 2010, đông nhất trong số các thành phố tại Mỹ. Toàn hạt Santa Clara có khoảng 140.000 người gốc Việt nhưng ảnh hưởng của Covid-19 với cộng đồng tại đây không rõ ràng.
Trang thông tin dữ liệu của hạt chỉ cung cấp về số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong ở các nhóm sắc tộc khác mà không bao gồm các nhóm thiểu số thuộc cộng đồng gốc Á, bao gồm cả gốc Hoa, gốc Ấn, gốc Phi. Dưới áp lực của công chúng tại cuộc họp Ban Giám sát ngày 8/12, giới chức Santa Clara dự kiến công bố thông tin vào ngày 15/12.
Huy Tran, thành viên nhóm Bàn tròn Người Mỹ gốc Việt ở San Jose, cho hay việc thiếu dữ liệu về các nhóm gốc Á cụ thể khiến cộng đồng của anh khó hiểu hết ảnh hưởng của Covid-19.
“Chúng ta đang nói về một hạt rất đa dạng. Trải nghiệm của người tị nạn Đông Nam Á rất khác với người nhập cư Nam Á gần đây”, anh nói.
Anh cho biết nhiều thông tin sai lệch về Covid-19 đang xâm chiếm truyền thông Việt ngữ tại Mỹ. Anh nhắc tới câu chuyện trên đài truyền hình địa phương về một đôi vợ chồng già gốc Việt ở San Jose sống sót sau khi mắc Covid-19. Phóng viên hỏi họ đã áp dụng những biện pháp phòng dịch nào và họ trả lời rằng đơn giản chỉ súc miệng bằng nước muối, một phương pháp không được xem là có khả năng ngăn ngừa Covid-19.
“Tôi có gia đình ở Omaha đã nghe tin về đôi vợ chồng tại San Jose và họ nghĩ ‘đơn giản nhỉ’ “, Huy kể. “Thông tin này lan rộng và được nhiều người tin là thật”.
Cộng đồng gốc Việt có một số đặc điểm riêng khiến họ đặc biệt nhạy cảm với nCoV. Theo báo cáo từ hạt năm ngoái, lượng người lớn gốc Việt mắc bệnh tiểu đường cao hơn tất cả các nhóm gốc Á, Thái Bình Dương và Kavkaz tại hạt này. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) xác định tiểu đường tuýp I và II là điều kiện làm gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
Linda Do, chủ tiệm Blossom Nail Spa ở San Jose, nói rằng phụ nữ gốc Việt chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh đóng cửa, do có nhiều người làm việc ở các tiệm làm móng và tóc. Họ còn phải theo dõi việc học hành của con cái trong khi không thông thạo ngôn ngữ và công nghệ mới.
“Chúng tôi không được hỗ trợ tài chính, không ai giúp chúng tôi”, Linda nói. “Họ sẽ không để chúng tôi đi làm nuôi sống gia đình. Tôi có 50 nhân viên cần phải chịu trách nhiệm”.
Linh Nguyen, chủ quán Paloma Cafe, đồng tình rằng thay đổi cách thức hoạt động khiến các hộ kinh doanh gặp khó khăn. Bên trong nhà hàng này là một loạt máy sưởi chưa dùng tới và những chiếc ghế gấp xếp xó.
Hoang Truong, người sinh ra và lớn lên ở San Jose, cho biết anh may mắn vẫn duy trì được công việc toàn thời gian, vừa làm việc từ xa vừa giúp vợ trông con nhỏ 1 tuổi. Nhiều người trong cộng đồng từng làm thu ngân hay bồi bàn ở các nhà hàng đã mất việc.
“Có nhiều khó khăn về tài chính. Đời sống ngày càng đắt đỏ hơn”, anh nói.
Hoang cho hay người già đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Họ từng đến các trung tâm cộng đồng tham gia hoạt động xã hội nhưng nay những nơi này đều đóng cửa.
“Điều đó thực sự ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của họ. Họ cảm thấy chán nản, cô đơn, không thể trò chuyện với ai”, anh nói.
Cộng đồng gốc Việt cũng chia rẽ sâu sắc về việc có nên tái mở cửa doanh nghiệp hay không.
“Tất nhiên, giới trẻ thực sự muốn mở cửa, họ cần đi làm, cần nuôi sống gia đình. Khi tôi nói chuyện với người già trong cộng đồng mình, hầu hết họ vẫn lo sợ Covid-19”, anh nói.
Bác sĩ Daljeet Rai, một bác sĩ gia đình tại Bệnh viện O’Connor ở San Jose, cho biết dựa trên quan sát của ông và dữ liệu công khai, người gốc Latinh là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Tuy nhiên, người gốc Việt và gốc Philippines dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số người gốc Á dù không có dữ liệu cứng.
“Dường như người gốc Việt và người gốc Ấn đang đề phòng nhiều hơn”, ông Rai nói. “Đó là một cuộc đấu tranh với chúng tôi và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tôi chắc chắn rằng đó còn là một cuộc đấu tranh lớn hơn cho các nhà dịch tễ học đang cố gắng cung cấp những dữ liệu này cho chúng tôi”.
Rai cho biết các nhóm sắc tộc, đặc biệt là người Mỹ gốc Mexico và gốc Việt, phải dung hòa giữa thực tế của đại dịch với các truyền thống trong nền văn hóa riêng của họ.
“Người phương Tây thường không gắn bó với đại gia đình. Còn người gốc Á rất khó để bảo với các thành viên gia đình rằng ‘đừng đến’. Bạn phải lịch thiệp”.
Ông thêm rằng nhiều người trong các nhóm sắc tộc này cần làm các công việc thiết yếu để chu cấp cho gia đình, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm virus.
“Họ buộc phải đi làm khi người khác không phải làm việc”, Rai nói. “Họ phải trả các hóa đơn và nhiều khi họ không đủ hiểu về hệ thống để xem những dịch vụ nào có sẵn”.
Linh Nguyen, chủ quán Paloma Cafe, cho hay những hạn chế phòng dịch khiến anh chỉ còn duy trì 80% nhân viên do doanh thu giảm mạnh. Anh đã bù đắp lượng nhân công thiếu hụt bằng sự hỗ trợ của vợ và hai con gái lớn mỗi khi rảnh. Tuy nhiên, Linh ủng hộ biện pháp của chính quyền.
“Tôi ưu tiên sức khỏe trên hết. Đóng cửa là quyết định đúng đắn”, anh nói.
Anh Ngọc (Theo San Jose Spotlight)