+
Aa
-
like
comment

Cơn “khát toàn cầu” ngày càng đến gần và yêu cầu cấp bách của chúng ta

Diệu Hương - 25/08/2022 16:06

Tỷ lệ lạm phát tăng cao kỷ lục vốn đã khiến các nước trên thế giới phải “lao đao”, giờ đây các nền kinh tế lớn tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lại phải đối mặt với những thách thức mới từ thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Vấn nạn này một lần nữa cho chúng ta thấy tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong quá trình phát triển.

Lính cứu hỏa cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thành phố Kiềm Tây, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày 22/8. Ảnh: AFP.

Theo Trung tâm khí tượng Quốc gia Trung Quốc, các khu vực của nước này đang trải qua đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1961, khiến hoạt động sản xuất trì trệ do thiếu điện. Tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), toàn bộ nhà máy đã được yêu cầu đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm năng lượng. Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Nomura dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Trung Quốc năm nay chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra.

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, tính đến ngày 16/8, có tới 42 bang đang phải đối mặt với hạn hán trên khu vực chiếm hơn 41% diện tích nước này khiến nông dân phải phá bỏ cây trồng và bán gia súc vì thiếu nước canh tác. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền trung, nam và trung nam, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất mặt, ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, cây cối và mùa màng.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), hạn hán kỷ lục kết hợp với những đợt nắng nóng kéo dài đang gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho châu Âu. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của EC cho biết, có đến 46% lãnh thổ của EU đang ở mức “cảnh báo”, tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức “báo động”. Các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Italia, Hy Lạp và Bán đảo Iberia.

Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng là minh chứng cho thấy cho thấy thiên nhiên đang ứng phó với biến đổi khí hậu do con người tạo ra và hợp tác với thiên nhiên sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất để khôi phục lại sự cân bằng. Tuy vậy, điều này sẽ đòi hỏi tăng cường đầu tư và thay đổi đáng kể cách chúng ta tương tác với thế giới tự nhiên.

Giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn hán là chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, điều này đòi hỏi phải thời gian dài và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thế giới. Do vậy, phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi, tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung về biến đổi khí hậu. Đồng thời cam kết, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi số sang nền kinh tế phát thải ít carbon, có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhạn tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Có thể nói, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện lại cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải “Carbon thấp”, “kinh tế xanh” và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang “kinh tế tuần hoàn”. Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Việt Nam, đó là phát triển nhanh, bền vững.

Với cam kết tại COP26, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu về phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải. Tương lai của năng lượng sạch có vẻ tươi sáng, với những năm gần đây cho thấy công suất năng lượng tái tạo đã được lắp đặt trên toàn cầu nhiều hơn so với năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch mới cộng lại.

Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và các nguồn tái tạo là câu trả lời cho việc cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững, đồng thời bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều