+
Aa
-
like
comment

Con đập lớn nhất thế giới cũng bất lực trước mẹ thiên nhiên

Lan Hoa - 06/09/2022 15:22

Đập Tam Hiệp đã tăng cường xả nước để giảm bớt tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng tại sông Dương Tử, nhưng cũng không thấm vào đâu trước những trận nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp

Người dân ở nhiều vùng của Trung Quốc đang phải trải qua 2 tháng nắng nóng gay gắt. Hàng trăm nơi ghi nhận nhiệt độ hơn 40 độ C, và nhiều “kỷ lục” đã bị phá vỡ. Đặc biệt, vào ngày 28/8, nhiệt độ ở Thành phố Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên đạt 45 độ C – mức nhiệt cao kỷ lục từng được ghi nhận ở Trung Quốc (ngoại trừ khu vực Tân Cương, vùng chủ yếu là sa mạc).

Một góc nhìn khác của cây cầu Thiên Tư Môn, lòng sông Gia Lăng cạn tới mức có thể dễ dàng đi tới chân trụ chính của cầu.

Có thể thấy rằng, hạn hán ở Trung Quốc năm nay diễn ra trên diện rộng và gay gắt chưa từng thấy. Bên cạnh việc làm bùng lên các đám cháy rừng, hạn hán còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất thủy điện, vận tải biển, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Tất cả đã khiến Trung Quốc lần đầu tiên phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán.

Dương Tử là dòng sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ ba trên thế giới. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho khoảng 1/3 dân số quốc gia, đồng thời cung cấp một lượng lớn nguồn nước cho các trạm thuỷ điện ở Trung Quốc, trong đó bao gồm cả đập Tam Hiệp – nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất thế giới.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử có thể kéo dài sang tháng 9, khi các địa phương chạy đua để tìm nguồn cung cấp nước mới và tưới tiêu cho cây trồng trước vụ thu hoạch mùa thu.

Từ đầu tháng 8, do diễn biến tình hình hạn hán ngày càng phức tạp và có dấu hiệu kéo dài, mực nước trên dòng sông Dương Tử đã xuống đến mức thấp kỷ lục. Các hồ chứa chính như hồ Bà Dương ở Giang Tây hay hồ Động Đình ở Hồ Nam hầu như đã khô cạn. Không chỉ riêng sông Dương Tử, lượng mưa thấp ở các khu vực khác của Trung Quốc cũng đã khiến các con sông giảm xuống mức thấp, với 66 sông cạn kiệt hoàn toàn. Ở một số nơi, nguồn cung cấp nước địa phương đã cạn kiệt và nước uống phải được chở đến. Vào ngày 19/8, Trung Quốc đã công bố cảnh báo hạn hán quốc gia cho lần đầu tiên sau 9 năm.

Theo Japan Times, mực nước cạn kiệt tại sông Dương Tử đã làm ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng, gây ra sự hỗn loạn về năng lượng trên nhiều vùng của Trung Quốc. Điện từ đập Tam Hiệp đã giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

Lòng sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, đoạn đi qua Trùng Khánh đang cạn khô. Ảnh chụp ngày 18/8.

Tứ Xuyên là tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt hạn hán, bởi tỉnh này phụ thuộc tới 80% vào thủy điện. Trong khi sản lượng thuỷ điện giảm 50% thì nhu cầu điện tăng 25%. Hàng nghìn nhà máy trên địa bàn tỉnh đã phải ngừng hoạt động vì thiếu điện trong bối cảnh nhu cầu điều hòa không khí tăng cao. Các văn phòng và trung tâm mua sắm cũng được yêu cầu giảm ánh sáng và điều hòa không khí để tiết kiệm điện.

Những cánh đồng khô héo vì hạn hán ở Fuyuan, tỉnh Trùng Khánh. Ảnh chụp ngày 19/8.

Tương tự, các thành phố lớn như Thượng Hải cũng đã phải tắt đèn, thang cuốn và điều hòa nhiệt độ. Công ty xe điện Tesla đã đưa ra cảnh báo về sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho nhà máy ở Thượng Hải. Các công ty khác như Toyota Motor và Contemporary Amperex Technology – nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới cho xe điện – đã buộc phải đóng cửa các nhà máy.

Để đối phó với tình hình, từ ngày 26/8, đập Tam Hiệp đã đẩy mạnh lượng nước xả lên 500 triệu mét khối vào vùng trung và hạ lưu để “cứu” dòng sông Dương Tử. Tuy nhiên cũng không thấm vào đâu trước tình trạng nhiệt độ vẫn lên cao và hạn hán vẫn có dấu hiệu kéo dài.

Theo Japan Times, tình trạng hạn hán kéo dài như thời gian qua có nguy cơ làm tăng thêm những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt sau khi cùng lúc bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 và sự sụp đổ của ngành bất động sản.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều