+
Aa
-
like
comment

‘Có thể tạo ra một khu vực an toàn riêng giữa Việt Nam và Hàn Quốc’

09/10/2020 08:01

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham, đề xuất Việt Nam và Hàn Quốc mở cửa cho nhau, tạo thành khu vực an toàn riêng giữa hai nước, giúp thông thuận giao thương.

Sống ở Việt Nam 27 năm, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam), chứng kiến phần lớn sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Ông nhớ lại những năm 1990, khách sạn Daewoo là tòa nhà cao nhất Hà Nội, từ đây có thể nhìn toàn cảnh thành phố. Nhưng đến nay, tòa nhà này lọt thỏm giữa các cao ốc.

Hiện, Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 67 tỷ USD. Năm 2019, có tới 4,3 triệu lượt khách Hàn Quốc đã đến Việt Nam. Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Dịch Covid-19 không chỉ gây ra tác động nghiêm trọng tới doanh nghiệp nội địa mà còn ảnh hưởng đáng kể tới cả cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn nhanh chóng mở lại đường bay, tạo điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

Nhân dịp này, PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham Việt Nam.

– Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam?

– Việt Nam là một trong số rất ít nước khống chế được dịch Covid-19 thành công. So với dân số 100 triệu người, chỉ hơn 1.000 người bị nhiễm thì trên thế giới rất ít quốc gia làm được như vậy. Chúng tôi đánh giá rất cao về nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân Việt Nam trong việc chống dịch.

Dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và kéo dài đến quý III, khiến không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc khống chế dịch sớm khiến hệ thống sản xuất ở Việt Nam vẫn duy trì khá tốt. Một số nước trải qua các đợt dịch liên tục, nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, toàn xã hội hoảng loạn, không thể hoạt động bình thường.

Hầu hết quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm, trong khi Việt Nam tăng trưởng dương. Nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn có thể đến đây tìm hiểu, đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi tin tưởng triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam còn tốt hơn nữa trong thời gian tới.

– Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam như Samsung, LG, SK, Lotte, CGV… chịu ảnh hưởng như thế nào bởi dịch?

– Chúng tôi hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, trong đó chia làm hai nhóm ngành. Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp đặt địa điểm sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài thì chịu ảnh hưởng khá ít. Nhóm thứ hai là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại thị trường nội địa Việt Nam thì chịu ảnh hưởng nhiều hơn.

Ví dụ như CGV là hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc và tại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều khi dịch bệnh khiến nhiều người e ngại đến nơi tập trung đông người. Đối với nhiều hệ thống chuỗi nhà hàng, tiệm bánh như Lotteria, Paris Baguette, Tous les Jours… đều đang khó khăn.

Tại Việt Nam cũng có rất nhiều nhà hàng Hàn Quốc, khách sạn do tiểu thương người Hàn Quốc đang kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Khách hàng của đối tượng này không chỉ là người Hàn Quốc định cư ở Việt Nam, người Việt Nam mà còn khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam.

Trước kia mỗi tuần có khoảng 500 chuyến bay từ Hàn Quốc tới Việt Nam và ngược lại, do đó có rất nhiều khách Hàn Quốc đi công tác, đi du lịch ngắn hạn tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch, số chuyến bay bằng 0, các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, lữu hành du lịch… đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

– Gần đây Việt Nam và Hàn Quốc đã nối lại các chuyến bay thương mại, nhưng vẫn còn hạn chế, kèm theo điều kiện cách ly. Theo ông làm thế nào để hai nước có thể duy trì quan hệ kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh?

– Việc mở lại chuyến bay rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển kinh tế của hai nước, đặc biệt là ngành hàng không và du lịch. Tôi nghĩ hai nước nên hợp tác song phương, tạo ra một khu vực an toàn của riêng hai bên. Nghĩa là người dân hai nước có thể đi lại thoải mái giữa hai bên mà không phải cách ly, tất nhiên có khai báo y tế và có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.

Như vậy thì rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có thể qua Việt Nam đầu tư, công tác, đi lại thoải mái như trong nội địa Hàn Quốc. Công dân Việt Nam cũng thoải mái sang Hàn Quốc công tác, làm việc. Việc miễn cách ly công dân của hai bên là việc rất cần thiết. Thậm chí mở rộng cho khách du lịch Hàn Quốc và Việt Nam có thể đi lại hai bên với nhau thì là điều rất đặc biệt.

Du lịch là lĩnh vực quan trọng với Việt Nam. Nếu người Việt Nam chưa tìm được nơi an toàn đi du lịch thì Hàn Quốc là sự lựa chọn hấp dẫn. Trong khi đó, người Hàn Quốc cũng rất thích đi du lịch Việt Nam với 4,3 triệu lượt năm ngoái, có thể chọn Việt Nam để đi du lịch. Nếu làm được điều này sẽ rất tốt cho mối quan hệ giữa hai nước. Người Hàn Quốc cũng đánh giá Việt Nam là nơi rất an toàn, đã hơn một tháng qua không có ca nhiễm mới.

Doanh nhân Hàn Quốc cũng rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Nhưng muốn đầu tư thì các doanh nhân phải đến Việt Nam xem xét và khảo sát. Việc đón các đối tượng khách này sẽ rất quan trọng.

– Cách đây vài tuần, có tin đồn rằng Samsung sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. Nhiều người cho rằng không chỉ Samsung mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác có thể chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào. Là đại điện hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, ông đánh giá thế nào về những ý kiến trên?

– Việc Samsung chuyển sang Ấn Độ là một tin hoàn toàn sai xuất phát từ một nhà báo Ấn Độ. Thực ra Ấn Độ đang có một số chính sách ưu đãi rất đặc biệt, nhưng Samsung đã đầu tư vào Việt Nam gần 18 tỷ USD, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất. Hiệu quả đầu tư của Samsung tại Việt Nam cũng rất tốt.

Nếu Samsung đột xuất chuyển đi nơi khác là điều không thể làm được. Doanh nghiệp này dù là tập đoàn lớn nhưng phải đi cùng rất nhiều công ty phụ trợ cấp 1, cấp 2, cấp 3. Muốn tạo thành một hệ sinh thái như hiện tại không phải một sớm, một chiều.

Samsung đã đầu tư vào Việt Nam được 12 năm, đạt được nhiều kết quả nổi bật và đáng kể. Hệ thống đầu tư của họ không hề đơn giản chỉ là xây một nhà máy và sản xuất.

Samsung cũng đã khởi công trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam và dự kiến hoàn thành sau hai năm nữa. Dự kiến nơi đây sẽ có khoảng 3.000 kỹ sư trình độ cao làm việc. Việt Nam là một trong năm quốc gia mà doanh nghiệp này đặt trung tâm R&D bên ngoài Hàn Quốc.

Điều kiện sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cũng rất thuận lợi, được sự ủng hộ của người lao động và Chính phủ Việt Nam. Do đó, Samsung nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Còn ở Ấn Độ, Samsung cũng vẫn sẽ đầu tư để nhắm đến thị trường 1,4 tỷ dân của họ.

– Việt Nam phát triển sau Hàn Quốc, làm thế nào để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể chuyển giao công nghệ? Trong những năm qua, việc chuyển giao thì chưa tương xứng so với số vốn đã đầu tư. Theo ông, làm thế nào để việc chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh hơn?

– Tôi thấy rằng trong số những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp sản xuất, mà chủ yếu là các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ… Lại càng hiếm doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vươn ra tầm quốc tế.

Nhiều doanh nhân Việt Nam cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, bởi lợi nhuận không cao như lĩnh vực khác. Thông thường, lợi nhuận của sản xuất khoảng 2-5%, cao nhất cũng chỉ khoảng 10%. Vì vậy, doanh nhân Việt Nam chưa nghĩ đến vấn đề này. Lãi suất ở Việt Nam cũng rất cao, nếu đầu tư hàng chục triệu USD và thu về tỷ suất lợi nhuận như vậy là không hiệu quả.

Việt Nam cũng chưa có một hệ sinh thái tốt về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho sản xuất. Nói thì dễ, nhưng làm là không hề đơn giản. Ví dụ sản xuất một chiếc camera điện thoại, cần rất nhiều ống kính siêu mỏng, siêu nhỏ… rất phức tạp. Không nhiều doanh nghiệp trên thế giới làm được.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn làm được phải trải qua rất nhiều quá trình thử thách, khó khăn, bởi chỉ một phụ kiện bị hỏng thì cả thiết bị sẽ không hoạt động được. Hiện tại, các khâu như sản xuất suất ăn, cung cấp bao bì, bảo vệ, xây dựng… thì tham gia khá dễ. Nhưng những phụ kiện phức tạp, kỹ thuật cao thì cần nỗ lực rất lâu, có thể 20-30 năm mới có thể làm được.

Tuy nhiên, không phải là doanh nghiệp Việt Nam không làm được. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm cách đi nhanh hơn, bằng cách sở hữu cổ phần, mua lại các doanh nghiệp Hàn Quốc, hoạt động cùng và dần chuyển giao công nghệ. Họ có thể nhắm đến các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để rút ngắn đường đi.

Sau 3-5 năm, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự vận hành được dây chuyền sản xuất. Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẵn sàng hợp tác cùng doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam nếu đủ năng lực và sự sẵn sàng.

– Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, làm thế nào để Việt Nam xây dựng được những doanh nghiệp lớn vươn ra toàn cầu?

– Thứ nhất, nếu doanh nghiệp không trở thành số một ở Việt Nam thì rất khó vươn ra toàn cầu. Do đó, rất cần sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ Việt Nam. Nếu mặt hàng nào Việt Nam có thế mạnh, sản xuất được trong nước, nên có một hàng rào bảo hộ, điển hình là thuế nhập khẩu.

Thực tế hiện tại, có nhiều công ty khổng lồ, họ sản xuất lượng hàng hóa lớn, giá rẻ bởi lợi thế về quy mô, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được. Nếu như vậy, không có doanh nghiệp Việt Nam nào muốn đầu tư, mãi mãi Việt Nam sẽ không có được nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện phát triển…

Chính phủ nên bảo vệ lĩnh vực vực sản xuất dẫn đầu của Việt Nam. Với sản xuất điện thoại, ôtô, mặt hàng có giá trị gia tăng cao… phải đầu tư dài hạn 20-30 năm mới có thể làm được. Những công ty hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG cũng bắt đầu từ những linh kiện rất nhỏ, rồi radio, TV đen trắng, TV màu… Họ phải tích lũy công nghệ hàng chục năm mới có thể làm được các sản phẩm như ngày nay.

Trước kia, Hàn Quốc không sản xuất được sản phẩm gì nổi bật cả, nhưng 20-30 năm nay đã sản xuất được nhiều sản phẩm nổi tiếng, hàm lượng công nghệ cao.

Tất nhiên, ngoài chính sách thì cần phải có sự nỗ lực của doanh nghiệp nữa. Ở Hàn Quốc, trước kia chúng tôi coi những nhà xuất khẩu là nhà ái quốc, nhà nhập khẩu thì phản bội nước. Quan chức Nhà nước thì chắc chắn không dùng xe nhập khẩu, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn lớn cũng không dùng xe, sản phẩm nước ngoài.

Chúng tôi thậm chí có người chuyên đi bắt ai hút thuốc lá nước ngoài, rượu ngoại. Thời kỳ quá độ, Chính phủ rất bảo vệ rất nhiều cho nền sản xuất trong nước, chứ không phải tự nhiên yêu sản phẩm trong nước.

Trước kia, người Hàn Quốc cũng rất thích sản phẩm ngoại, không thích sản phẩm nội địa vì chất lượng kém. Nhưng chúng tôi đã cố gắng từng bước, và đến nay sản phẩm nội địa đều chất lượng rất tốt.

Hàn Quốc cũng tiến hành cải cách giáo dục, nếu đến trung học phổ thông sẽ hướng nghiệp học nghề cho những người không muốn tiếp tục vào đại học. Ngoài ra, để phát triển các ngành mũi nhọn phải có các trường đại học lớn, uy tín đào tạo về lĩnh vực đó.

Hàn Quốc cũng xây dựng hệ thống chứng chỉ hành nghề cho rất nhiều công việc. Mỗi công việc đều có tiêu chuẩn rõ ràng, khắt khe.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nông dân thì đông. Lĩnh vực này Việt Nam có thể làm ngay, vươn ra toàn cầu.

Hiếu Công/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều