+
Aa
-
like
comment

Có “Thầy chùa” nào ăn hột vịt lộn, lừa đảo trăm triệu đồng?

Ái Hà - 05/02/2021 16:34

Mạng xã hội thời gian gần đây được các youtuber khai thác yếu tố “độc, lạ”, chia sẻ thông tin về một người đầu trọc, trong trang phục tu sĩ, giả danh chư Tăng chùa Hoằng Pháp kêu gọi quyên góp tiền và “ăn tất cả các loại thịt động vật”, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Tín đồ Phật tử bức xúc với hình ảnh trên, thì “trớ trêu” lại trở thành đề tài hot, công cụ câu view bất nhân của các youtuber. 

Ông Nguyễn Minh Phúc (ảnh) trong trang phục tu sĩ ăn uống hàm hồ, phá hoại hình ảnh tôn kính của Phật giáo.

 

Theo đó, thông tin về ông Nguyễn Minh Phúc (ảnh) ăn hột vịt lộn, thịt cá, hải sản và đi vận động tiền nguyên góp xây chùa, xuất hiện trên mạng xã hội, trở thành “nhân vật” để các youtuber khai thác “hái ra tiền” trong thời gian gần đây, đã rất nhiều lần Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng.

Cụ thể là, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) – nơi mà Nguyễn Minh Phúc tự nhận là chư Tăng ở đây, đã lên tiếng rất rõ trước truyền thông: “Chùa Hoằng Pháp khẳng định, Nguyễn Minh Phúc (ảnh) không xuất gia ở chùa Hoằng Pháp, cũng như không phải chư Tăng của chùa và chùa Hoằng Pháp cũng không cử chư Tăng hay Phật tử đi quyên góp tịnh tài, tịnh vật dưới mọi hình thức”. Đồng thời, qua đó Thượng tọa Thích Chân Tính nhắn nhủ: Đừng để Nguyễn Minh Phúc lừa gạt.

Ngoài việc bịa đặt thông tin bản thân xuất gia tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, rồi bịa đặt chùa Hoằng Pháp ở huyện Củ Chi là chi nhánh của chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn; thì đối tượng Nguyễn Minh Phúc còn giả tạo cho mình các bằng khen 5 Huân chương Lao động, 2 bằng khen của… Trung ương, để đánh bóng bản thân, lừa gạt thiên hạ.

Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết, ông Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ Phật giáo nhưng thường xuyên núp bóng, lợi dụng danh nghĩa tu sĩ để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân bất hợp pháp và tụ tập đông người tại nhà riêng. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo việc ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, đồng thời yêu cầu ông Phúc tháo gỡ tất cả các bảng hiệu có nội dung không đúng quy định, trong đó có bảng hiệu để tên gọi là “chùa Hoằng Pháp Trung ương”.

Với một người có hành vi giả danh nhà sư, ngụy tạo bằng khen của Nhà nước, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo – hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Minh Phúc đã thấy rõ. Rất cần cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng đội lốt nhà sư, phá hoại hình ảnh của tôn giáo, cụ thể là Phật giáo của ông Nguyễn Minh Phúc.

Trên hết, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin Truyền thông cần có những hành động quyết liệt, có lộ trình trong việc siết chặt quản lý thông tin trên mạng xã hội, truy quét các thông tin nhiễu nhương, câu view bất chấp, phá hủy thuần phong mỹ tục mà hiện nay rất nhiều youtuber đã và đang “hành nghề”.

Còn nhớ, trong năm 2020, trước tình trạng tràn lan các video nhảm nhí, giật gân của các youtuber tạo nên nhằm kiếm tiền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, xử lý. Vì một xã hội ổn định, an ninh và an toàn không chỉ ngoài đời thật, mà còn trên cả không gian mạng.

Một tôn giáo có bề dày lịch sử như Phật giáo, luôn đồng hành cùng dân tộc, kiến tạo, đem lại lợi ích cho dân tộc, từ bao giờ lại trở thành “con mồi” cho các youtuber tấn công, khai thác thành trò hề giễu cợt, phỉ báng? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, quản lý cần có những hành động phù hợp, thiết lập lại trật tự về an toàn thông tin. Với người dân, cũng cần tỉnh táo nhận diện đâu là nhà sư thật, đâu là giả sư – để tránh trở thành con mồi cho những kẻ giả danh tu sĩ lừa đảo.

Ái Hà

Bài mới
Đọc nhiều