+
Aa
-
like
comment

“Có người gọi tôi là anh hùng khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một vấn đề gai góc”

11/12/2020 10:02

Lịch sử nghị trường Quốc hội đã ghi nhận một chất vấn vô cùng gai góc, không ngại va chạm của đại biểu Quốc hội khóa XII Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) tới Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, về bất cập trong công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sau một thời gian hoạt động.

Vào ngày mai (12/12), sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Đây là giai đoạn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Trước năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN- viết tắt Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban. Việc này được thực hiện theo điều 73 của Luật PCTN năm 2005. Từ năm 2006 đến đầu năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (nhiệm kỳ 2006-2011 và 2011-2016) là Trưởng Ban Chỉ đạo. Ở địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Lịch sử nghị trường Quốc hội đã ghi nhận một chất vấn vô cùng gai góc, không ngại va chạm của đại biểu Quốc hội khóa XII Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nói hạn chế liên quan đến công tác tổ chức của Ban Chỉ đạo sau một thời gian thực hiện.

“Có người suy tôn tôi là anh hùng trên nghị trường khi chất vấn Thủ tướng một vấn đề gai góc” - Ảnh 1.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ảnh IT).

Ông Lê Văn Cuông nhớ lại: Tại phiên chất vấn của Quốc hội với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng ngày 19/11/2009 (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII), ông đã chất vấn: Tình hình tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ án trọng điểm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử quá chậm và có biểu hiện “đầu voi đuôi chuột”. Trong khi đó hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu không quyết liệt như thời gian đầu, nhiều Ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động còn mờ nhạt, kém hiệu quả gây thất vọng và nghi ngờ trong nhân dân.

Sau phần trả lời của Thủ tướng, ông Lê Văn Cuông thấy chưa hài lòng nên đã chất vấn lại. Ông nói: Trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về PCTN có đề cập đến tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN đang còn hạn chế. Việc hạn chế có liên quan đến công tác tổ chức của Ban Chỉ đạo hay không bởi vì Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh, “vừa đá bòng vừa thổi còi”, như thế có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động hay không?

Thủ tướng trả lời: Ban Chỉ đạo PCTN ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, việc này đã thảo luận kỹ. Có nhiều ý kiến khác nhau và thảo luận kỹ ở Trung ương, thảo luận kỹ ở Quốc hội và Ban này mới hình thành, thời gian cũng chưa nhiều chúng ta cần theo dõi thêm và đánh giá từ thực tiễn, chưa nên vội vàng kết luận. Như thế nào là đá bóng, như thế nào là thổi còi có lẽ còn phải trao đổi với đồng chí thêm, UBND phải làm theo chức năng, phải làm theo pháp luật.

“Có người suy tôn tôi là anh hùng trên nghị trường khi chất vấn Thủ tướng một vấn đề gai góc” - Ảnh 2.
Ông Lê Văn Cuông khi còn là đại biểu Quốc hội khóa XII (ảnh IT).

Ông Lê Văn Cuông kể thêm: “Sau chất vấn “nảy lửa” đó có người đã gọi tôi là anh hùng trên nghị trường, dám chất vấn Thủ tướng một vấn đề gai góc, mặc dù vấn đề này cũng có nhiều xì xào nhưng không ai dám nói. Một số Bộ trưởng khi gặp tôi cũng tỏ sự khâm phục. Còn tôi thì cho rằng, việc chất vấn thẳng thắn là để xây dựng, nêu vấn đề mình cho là bất cập với đứng đầu Chính phủ để xem xét điều chỉnh phù hợp nhất”.

Vẫn theo ông Cuông, sau chất vấn đó một thời gian thấy tình hình có thay đổi. Vào ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN đã bãi bỏ điều 73. Như vậy không còn quy định Thủ tướng đứng đầu Ban Chỉ đạo.

Vào ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo.

“Từ khi Ban Chỉ đạo được phân công lại và hoạt động như đến nay thấy phù hợp hơn trước, vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua đó khẳng định việc điều chỉnh là đúng đắn”, ông Cuông nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, từ đầu năm 2013 đến nay Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng phức tạp dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo theo 3 cấp độ.

Theo đó cấp độ 1 là cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo; cấp độ 2 là Ban Nội chính Trung ương theo dõi chỉ đạo; cấp độ 3 là các tỉnh, Thành ủy theo dõi chỉ đạo. Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc (theo dõi, chỉ đạo ở cấp độ 1). Ở nhiệm kỳ Đại hội XI, những đại án tham nhũng, kinh tế lớn như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm; vụ Huỳnh Thị Huyền Như; vụ “bầu” Kiên; vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm… đều được chỉ đạo xử lý quyết liệt.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo; xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 484 bị cáo. Nhiều vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, như vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm; vụ Mobifone mua cổ phần của AVG; vụ Phan Văn Anh Vũ; gần đây nhất là vụ án Công ty Nhật Cường…

Bài mới
Đọc nhiều