+
Aa
-
like
comment

Chuyện về nữ anh hùng 3 lần bị địch cưa chân

08/03/2021 10:21

Mở đầu câu chuyện, cô Tám Mai nhớ lại, nhiều đêm ngồi co ro trong địa đạo bị nước ngập không ngủ được, chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là mong cho đất nước được hòa bình để ngủ cho đã giấc…Đó là tâm sự của nữ thương binh – Anh hùng Phạm Thị Mai (tên thường gọi là Tám Mai).

Nơi cô sống là thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Xưa có tên là ấp chiến lược Tân An, Tân Điền nằm phía ngoài lộ, là vùng chiến tranh ác liệt trong khu “Tam giác sắt” thuộc Quận Thiện Giáo (Bình Thuận cũ). Mỗi mét đất đã đẫm đầy biết bao bon đạn và xương máu, hy sinh. Từ những năm 1960, Mỹ – ngụy tìm mọi cách kéo dân ra khỏi vùng căn cứ kháng chiến, lập nhiều ấp chiến lược với dây thép gai ba tầng và gài mìn bao bọc, quản chế dân trong vùng mà hầu như gia đình nào cũng có người theo cách mạng.

Tám Mai sinh ra trong một gia đình rặt nông dân nghèo, có bảy anh chị em (3 người con trai) đã hy sinh hai người. Tám Mai được giác ngộ cách mạng từ rất nhỏ. Bao nhiêu đơn vị biệt kích, lính cộng hòa, lính Mỹ đến vùng này đều kinh sợ hai đối tượng “xuất quỷ nhập thần” là du kích mật trà trộn vào sống hợp pháp trong dân và đám con nít.

Nghe tiếng du kích mật Hàm Chính, Hàm Liêm, nhiều tên lính mất ăn, mất ngủ khi bị điều đến vùng này, đêm ngày van vái trời đất cho đến lượt luân phiên đổi đi nơi khác. Chiều cuối tuần, đám ác ôn Quận trưởng, Cảnh sát trưởng khét tiếng như Tư Thừa, Bảy Của, Ba Kiệm từng bỏ xác phơi thây giữa đồng ruộng cây số 9 gần cây Cầu Lim. Du kích mật phục phía sau con suối yểm trợ khi mìn nổ xong, rút lui an toàn. Du kích mật thường là thiếu niên, giả trang thành con gái nhổ cỏ ruộng, móc cua, cắt lúa, cấy mạ… canh chừng giờ bọn ác ôn về thị xã Phan Thiết nghỉ ngơi, du hí cuối tuần theo một quy luật, giờ giấc nhất định.

Một tráo mìn gài sẵn bên vệ đường, dây và bình điện kéo vào chân ruộng nơi du kích giả trang đứng lom khom. Mìn giật nổ, hai đồn lính ấp Bình Lâm, Bình An xối đạn đại liên Mã Lai như mưa vào mục tiêu di động, chạy nhanh như sóc biến vào con suối nhỏ rồi lặn vào rừng. Có hôm, giặc truy đuổi, gọi cả pháo Ca-nông từ Mương Mán, Tà Zôn, Ma Lâm bắn yểm trợ nhưng chưa bao giờ làm được gì. Sáng hôm sau, “du kích nhỏ” hòa mình vào đám bạn chăn trâu bò, chiều lại về trong ấp chiến lược để sống một cách “tỉnh queo”.

Năm 1961, mới 14 tuổi, Tám Mai đã làm liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cách mạng và nghe ngóng tình hình để báo cáo cho mấy anh, mấy chú du kích. Từ 1961 đến 1964, đội du kích bí mật mưu trí, dũng cảm tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống 7 tên lính võ trang. Trong số này có tên Xược là một ác ôn khét tiếng trong vùng khiến nhân dân phấn khởi, vui mừng hả hê.

Năm 17 tuổi, Tám Mai được cử làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hàm Liêm, là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Tiến, Hàm Hiệp và Hàm Phong.

Tháng 2/1965, Tám Mai là đội viên đội công tác Hồng Hà (Hàm Liêm) được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Càng lớn, Tám Mai càng mạnh mẽ và lì lợm. Cô có tính tình, tướng mạo như con trai, không yểu điệu thục nữ nên càng ít người để ý. Mà càng ít người để ý cũng là lợi thế để Tám Mai hoạt động diệt ác, trừ gian trong vùng hợp pháp của ấp chiến lược và nghe ngóng, nắm tình hình cơ sở báo ra khu.

Đầu năm 1967, Tám Mai làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hàm Liêm. Lúc này, phong trào chiến đấu đang nở rộ “hoa chiến thắng”, khắp chiến trường khu 6 và riêng Bình Thuận ngày một thêm nhiều chiến công trên mặt trận vũ trang, chính trị, binh vận.

Quân dân Hàm Chính, Hàm Liêm, Hồng Phong chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều đợt càn quét của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, mật thám giữa ban ngày khiến cho bọn địch vô cùng hoang mang, hoảng sợ. Nhiều tên ác ôn khét tiếng đến vùng này đã phải thú nhận rằng: Thà đi vùng 1, vùng 4 đánh nhau nảy lửa còn hơn là ở cái xứ này, chết bất cứ lúc nào mà không biết “kẻ nào làm”…

Giặc bắt, 3 lần bị cưa chân

Tháng 12/1967, Tám Mai được phân công làm chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Có những trận đánh bất ngờ đã viết thêm trang sử vẻ vang chói lọi cho quê hương Hàm Thuận anh hùng.

Ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột về mở chiến dịch càn quét “làm cỏ Việt cộng” Hàm Chính – Hàm Liêm. Đội du kích được lệnh rút vào căn cứ an toàn chỉ để lại 5 người là Tám Mai, anh Công (Thường vụ Tỉnh Đoàn), anh Đức (Trưởng Công an xã), anh Nhung (cán bộ kinh tế xã), anh Hai Giò (cán bộ xã Hàm Liêm) ẩn nấp dưới căn hầm bí mật, bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược Tân An.

Khi bị phát hiện, bọn địch bắn xối xả, hò nhau xông đến tung lựu đạn vào miệng hầm, làm hy sinh 4 đồng chí, nhưng Tám Mai vẫn gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Còn hai quả lựu đạn M26, cô nhoài người tung lên miệng hầm đã khiến cho mấy tên lính đền mạng.

Căn hầm này cách nhà cô ngày nay vài trăm mét, là nơi diễn ra trận đánh ác liệt không cân sức làm 4 đồng chí hy sinh, Tám Mai bị thương nặng ở hai chân đã bị địch bắt. Bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn làm cô chết đi, sống lại vẫn không khai thác được gì, chúng đã cưa chân cô ngang nửa đùi.

Bọn địch mang cô vào nhà thương chữa trị, chúng tiếp tục cưa chân cô hai lần nữa làm chân trái sát bẹn, chân phải sâu hơn nửa đùi. Sau đó, chúng tống cô vào trại giam Lao Xá – Phan Thiết. Tại đây, tấm gương dũng cảm của Tám Mai đã khiến cho tù nhân bừng bừng khí thế đấu tranh đòi tự do, cấm ngược đãi, hành hạ tù nhân trong trại nữ tù.

Đầu tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ mất, Tám Mai và Nguyễn Thị Điệp (còn có tên là Hiệp, hiện ở Đức Long, TP. Phan Thiết) là hai phụ nữ “chỉ huy” trong nhà lao phát động chị em tù chính trị đeo băng tang, tưởng niệm Hồ Chủ tịch và dấy lên phong trào đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.

Cuối năm 1970, bọn địch hoảng sợ phong trào đấu tranh của trại tù đã chuyển một số tù chính trị ra quân lao Nha Trang và Côn Đảo. Riêng Tám Mai (chúng gọi là Tám cụt), chúng cách ly ra khỏi nhà tù, thả tự do vì chúng nghĩ, cụt hai chân dù có muốn cũng không thể nào làm gì được trong ấp chiến lược.

Về ấp chiến lược, Tám Mai được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy du kích mật, lên sa bàn các trận đánh và dò la tin tức. Anh em trong đội du kích mật gọi Tám Mai là “cục vàng sống” của du kích, hoạt động hợp pháp với vỏ bọc một người phụ nữ bị tàn tật.

Bọn địch không thể ngờ rằng người phụ nữa tàn tật kia là chỉ huy du kích mật, phân công, bố trí đặt mìn, tung lựu đạn ám sát ác ôn, tiêu diệt 28 tên lính cộng hòa tại trường học xã Hàm Liêm, diệt 2 xe tăng M.113 và M.141, làm nổ lựu đạn diệt địch rung rạp hát Li Lát – Phan Thiết khiến địch hoang mang, khiếp sợ…

Năm 2000, nữ thương binh nặng Phạm Thị Mai được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và cũng năm đó, UBND huyện Hàm Thuận Bắc xây tặng căn nhà tình nghĩa ngày nay cô đang ở,

Người Cộng sản lòng kiên trung bất khuất
Dẫu biết rằng sẽ mất mát hy sinh
Bao đồng đội tan nát cả thân mình
Trúng đạn pháo trong căn hầm bí mật
Dù thương nặng vẫn kiên cường bất khuất
Quyết tung mìn khiến địch chết tan thây
Chúng cuồng điên tra tấn nát thân gầy
Chân cắt cụt hòng chị khai cơ sở
Chết sống lại chẳng phút giây run sợ
Tổ chức mình giữ bí mật không khai
Ba lần cưa chân tan nát hình hài
Mẹ lặn lội thăm con lòng quặn thắt
Khúc chân gói gan tím bầm nén chặt
Lệ đớn đau chôn cất thịt con mình
Đất chừa phần phòng đợi lúc hy sinh
Thua nhục nhã ném chị vào nhà xác
Đau khủng khiếp giòi đục bu oanh tạc
Mỗi ngày trôi cái chết lại đến gần
Thịt rữa mùi bốc thối khẳm hôi tanh
May mắn đến có một đoàn bác sĩ
Thăm nhà xác tiến lại gần bên chị
Phẫn run lên cách tra tấn nhục hình
Quá bạo tàn kiểu hành xử tù binh
Dù vẫn tỉnh lại ném quăng nhà xác
Bác sĩ chữa vết thương lành da thịt
Lại đưa về tra tấn để hỏi cung
Máu miệng tuôn chị can đảm lạnh lùng
Phun khạc nhổ vào mặt quân đốn mạt
“Tao phụ nữ với tấm thân nhàu nát
Hành hạ tao bay không thấy nhục à
Quân đê hèn thà chết chẳng khai ra”
Không moi được chúng phải đành phóng thích
Trái tim đỏ trào sôi hờn căm địch
Ngày vinh quang mẹ nức nở nghẹn ngào
Rất vững vàng mà lòng dạ xót xao
Nửa thân trinh gục bờ vai thổn thức
Mẹ vỗ về động viên con, tiếp thêm nguồn sinh lực
Mẹ là đôi chân trần nâng nhịp bước con đi
Dẫu gian nan mẹ chẳng quản ngại gì
Mẹ gánh chịu mọi đớn đau bão tố
Để đời chị nhẹ vơi phần tận khổ
Trao niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào
Một đứa con nuôi và một giọt máu đào
Chiết chắt lọc từ tủy xương tàn phế
Cả dân tộc phải nghiêng mình kính nể
Người con yêu với sức mạnh phi thường
Giành giật tử thần từ địa ngục đau thương
Vượt sinh tử gieo ươm mầm sự sống
Tấm thân tàn chưa khi nào tuyệt vọng
Lòng lạc quan xóa tan hết ưu phiền.

Tổng hợp

Bài mới
Đọc nhiều