+
Aa
-
like
comment

Người dân kêu trời vì giá dịch vụ y tế và sự quyết đáp của Thủ tướng

Phạm Khoa - 24/08/2022 14:09

Câu chuyện người tham gia bảo hiểm y tế lại phải chi nhiều tiền để mua thuốc bên ngoài đã tồn tại suốt hơn 1 năm qua. Và tại cuộc họp mới đây với ngành Y tế, Thủ tướng đã quyết đáp tháo gỡ ngay.

Thủ tướng với các đại biểu dự Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân sáng 21/8.

Đầu tháng 8/2022, bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện công trên địa bàn quận Thủ Đức. Khi cầm trên tay toa thuốc 5 loại thì có đến 2 loại bệnh viện báo không còn thuốc, phải mua ngoài. Và như vậy, thay vì phải chi 650.000 đồng cho một lần khám và lấy thuốc, họ phải tốn thêm 360.000 đồng nữa để mua thuốc bên ngoài. Đáng bàn hơn khi tình trạng này chẳng phải cá biệt, thậm chí còn đang ngày càng phổ biến tại các bệnh viện công.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ cuối năm ngoái, danh sách địa phương có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã kéo dài gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu, TP.HCM… Chính tình trạng trên đã khiến người dân phải chi thêm nhiều tiền cho thuốc men và các xét nghiệm y tế.

Thống kê gần đây nhất của ngành Y tế, dù đã được quỹ BHYT chi trả nhưng chi phí trực tiếp từ tiền túi của người bệnh vẫn chiếm tỉ lệ lên đến 43%. Đây là mức cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ 20%, và cũng cao gần 2,5% lần so với các nước phát triển (chỉ từ 14-20%). WHO cũng cho rằng, khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đó là “chi phí y tế mang tính thảm họa”.

Đứng trước thực trạng khá nóng này, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sáng 21/8, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra: “đóng bảo hiểm nhưng chỉ số chi tiêu tiền túi cho y tế của người dân vẫn cao (trên 40%) cần phải giảm mức này, tính đúng giá dịch vụ y tế, giảm chi phí tiền túi của người dân”. Chỉ một buổi làm việc, với sự có mặt của những bộ ngành có chức năng gỡ vướng, ít nhất là những cái khó cái vướng đã được thống nhất, được cam kết gỡ bỏ. Bởi, nói như Thủ tướng: Các vướng mắc thì “Quy định do ta, vướng mắc thì phải tháo gỡ, cấp nào vướng thì cấp ấy tháo”.

Hai năm qua, đời sống người dân đã vô cùng chật vật, khi dịch bệnh gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên diện rộng. Covid-19 đến tận hôm nay chưa thực sự bị đẩy lùi, vẫn tiếp tục gây ra nhiều di chứng nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Việc chi tiêu quá nhiều cho chi phí y tế có thể khiến người dân bị “nghèo hoá”.

Để khắc phục tình trạng đó, ngoài việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Thông qua việc thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, kê đơn thuốc và xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, cập nhật dữ liệu tiêm chủng…, người dân sẽ giảm được chi phí di chuyển, chi phí thủ tục hành chính, chi phí khám chữa bệnh không đúng tuyến. Bệnh viện và các cơ sở y tế cũng giảm tải, giảm áp lực lên đội ngũ y bác sĩ và cơ sở hạ tầng.

Chắc chắn một điều, người dân nói chung, ngành Y tế nói riêng đều nhìn thấy vướng mắc, khó khăn, nhìn được cả các biện pháp khắc phục, tháo gỡ dần các khó khăn ấy. Vấn đề là, khi đưa vào triển khai trong thực tế, các kế hoạch, phương án mà ngành Y tế và các đơn vị liên quan đề ra có đem lại hiệu quả thực sự cho người dân, hay lại rơi vào tình trạng “thùng rỗng kêu to”, “đầu voi đuôi chuột” như lo lắng của Thủ tướng?

Câu trả lời không dễ này thuộc về ngành Y tế, cơ quan chịu trách nhiệm chính, mà quyền bộ trưởng Đào Hồng Lan đang đứng mũi chịu sào.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều