+
Aa
-
like
comment

Chuyến công du viết tiếp trang sử mới cho khu vực Đông Nam Á

Huy Hoàng - 14/12/2022 22:09

Trong bối cảnh kinh tế của Liên Minh Châu Âu (EU) hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ các chính sách bảo hộ ở nước Mỹ, chuyến công du của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa, mang lại lợi ích chung cho cả hai khu vực ASEAN và EU.

Thủ tướng tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhân dịp Thủ tướng chuẩn bị thăm một số nước châu Âu và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU.

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Biden thông qua đạo luật giảm lạm phát tại Mỹ hồi tháng 8, quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước thành viên EU tới nay đã bắt đầu xuất hiện nhiều rạn nứt.

Theo điều luật, Mỹ sẽ chi một số tiền kỷ lục lên tới 369 tỷ đô la để ưu đãi về thuế cho các công ty đầu tư vào năng lượng sạch, cũng trợ cấp một khoản tiền cho các dự án xe điện, pin và các dự án năng lượng tái tạo trong nước. Người hưởng lợi từ đạo luật này, thứ nhất là người dân Mỹ và thứ hai là các doanh nghiệp Mỹ. Vì được trợ giá, người dùng Mỹ có thể mua xe điện với giá rẻ hơn, các doanh nghiệp Mỹ do được trợ giá cũng sẽ dễ dàng giảm giá bán, loại bỏ đối thủ cạnh tranh nước ngoài, từ đó nâng cao doanh số bán lẻ.

Việc Washington vung tiền không tiếc tay chỉ để giảm thuế, chi phí như trên sẽ khiến các công ty châu Âu gặp bất lợi trong cạnh tranh với đối thủ Mỹ. Vốn là hai đối tác thương mại lớn của nhau, do đó, việc trợ giá sẽ tạo một môi trường cạnh tranh bất lợi cho các doanh nghiệp châu Âu.

Theo lý thuyết, EU cũng có thể trợ giá cho các doanh nghiệp của mình để giữ lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, EU đang chìm trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, việc chi một số tiền kỷ lục như Mỹ là điều không dễ làm.

Có thể nói, việc ban hành đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ không khác gì đang tạo thêm một cú sốc mới cho nền kinh tế các nước EU. Nó cũng cho thấy trong bối cảnh khó khăn chung, các nước sẽ vì lợi ích quốc gia mình mà ban hành những chính sách đề cao tính bảo hộ, đơn phương và thiếu sự kết nối mang tầm khu vực.

Trong tình hình chủ nghĩa dân tộc và xu thế bảo hộ vẫn được duy trì đó, thì tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các khu vực lại càng được đề cao. Bởi giữa các khu vực với nhau sẽ có cùng những cam kết về một trật tự mang tính bao trùm, đa phương, dựa trên các quy tắc của luật pháp quốc tế.

Hai khu vực ASEAN và EU cũng đã sớm nhận thức được điều này, do vậy vào tháng 12 năm 2020, khi thế giới chịu tác động nặng nề từ đại dịch, thì tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia ASEAN và EU. Cả ASEAN và EU khi ấy đã tuyên bố nâng cấp quan hệ từ “đối tác đối thoại” lên thành “đối tác chiến lược”.

Hiện nay, trong khi thị trường 300 triệu dân Mỹ thì ban hành đạo luật giảm lạm phát, thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc cũng ưu tiên doanh nghiệp nhà nước. Thì Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ vào ngày 14/12, được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa gắn kết các quốc gia ASEAN và các thành viên EU. Cùng với ASEAN, EU 37 quốc gia với 1,1 tỷ người sẽ kết nối với nhau ngày càng chặt chẽ hơn, chiếm 23% GDP toàn cầu.

Với EU, việc nâng cấp quan hệ với ASEAN là một nội dung quan trọng trong chiến lược châu Á của EU, là một thành quả ngoại giao trong bối cảnh quan hệ với Mỹ, Trung Quốc gặp nhiều thử thách. Châu Á là một khu vực đang lên, và Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có vai trò trung tâm, thị trường Đông Nam Á cũng hấp dẫn chẳng kém gì Trung Quốc. ASEAN cũng có một tiềm năng tăng trưởng của riêng mình, do đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư khai thác mới cho các doanh nghiệp châu Âu.

Chuyến công du của Thủ tướng cũng vì vậy mà có ý rất lớn trong việc gắn kết giữa hai khu vực. Bởi trong chuyến thăm từ ngày 9 đến 15/12, bên cạnh dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU thì Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ đến thăm ba nước châu Âu là Luxembourg, Hà Lan và Bỉ. Trong quan hệ song phương với các nước EU, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, qua đó chúng ta còn xuất sắc trở thành đầu cầu gắn kết nhiều nước đầu tàu EU với khu vực.

Do đó chuyến thăm tới ba nước châu Âu của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng. Vì qua đó, Việt Nam và ba nước châu Âu nói trên sẽ tìm thêm cơ hội hợp tác, gắn kết với nhau và gắn kết với cả khu vực. Việc nhiều quốc gia của hai khu vực có sự gắn kết với nhau sẽ củng cố thêm những tiền đề để ASEAN và EU thắt chặt quan hệ hơn nữa.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều