Chuyện cái lon, cách giải thích “lạ” gây bão mạng không đáng có
Câu chuyện Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuần qua yêu cầu Công ty Coca Cola Việt Nam sửa đổi nội dung quảng cáo có cụm từ “mở lon Việt Nam” vì cho rằng nói trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã gây cơn sốt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, báo chí.
Với cụn từ “mở lon Việt Nam”, trả lời báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, từ “lon” đứng một mình, không gắn với từ Coca – Cola hay bia… có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa.
Theo bà Hương, “hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”. Bà này cũng nói thêm rằng, từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như “Coca – Cola”, “bia”…
Có vẻ như ở trường hợp này, nhà quản lý đã quá nhạy cảm với từ “lon”, và cách giải thích không thực sự hợp lý đã gây nên nhiều suy luận, thành một trào lưu mà người ta hay gọi là “bão mạng” trên mạng xã hội.
Thực ra khi nghe cụm từ “mở lon Việt Nam”, cũng không ít người đã cảm thấy lấn cấn. Cụm từ này khá tối nghĩa và có vẻ đã lạm dụng tên quốc gia. Tại sao không phải là: Mở lon Coca-Cola? Một slogan quảng cáo đã sử dụng quốc hiệu vào mục đích quảng cáo thì doanh nghiệp cũng cần phải nghiêm túc, tôn trọng.
Về điều này, luật pháp hiện hành cũng rất rõ ràng: Trong Quy trình đăng ký tên miền “.vn” do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, có ghi (trích): Tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Không có các cụm từ xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia hoặc vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
– Rõ ràng, nghiêm túc, không gây hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt;
Có ít nhất một hoặc một dãy ký tự dưới tên miền cấp cao “.vn”.
Do đó, vấn đề của nhà quản lý ở cách giải thích việc cấm dùng cụm từ “mở lon Việt Nam” là giải thích cho đúng, chứ không phải giải thích lại khiến mập mờ, dễ suy luận sang các chuyện bậy bạ hơn và khiến nhiều người lại nghĩ rằng, cơ quan quản lý làm khó cho doanh nghiệp.
Hiện Coca-Cola Việt Nam cũng đã tiếp thu và sửa đổi, thay toàn bộ cụm từ “mở lon Việt Nam” thành “cơ hội trúng vàng mỗi ngày” trong chương trình quảng cáo nói trên. Như vậy, chính doanh nghiệp này cũng đã nhận lỗi và sửa sai. Nhưng thiết nghĩ, Coca-Cola Việt Nam cũng nên nghiêm túc hơn, khi sử dụng thương hiệu quốc gia Việt Nam vào các chương trình quảng cáo.
Mạnh Quân