“Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng…”
Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Quyết không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sang. Đây là điều mà Đảng ta đã và đang ra sức thực hiện triệt để.
“Lợi ích nhóm” cái gai nhức nhối của xã hội
Theo dõi các vụ đại án được đưa ra xét xử thời gian vừa qua, người ta thấy chúng bộc lộ sự cấu kết, toa rập nhau trong những nhóm lợi ích gây thiệt hại hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhưng đó mới là những nhóm lợi ích lớn. Còn những kiểu nhóm lợi ích ở cấp tỉnh, huyện, xuống tới cấp phường, xã, có lẽ là… không đếm xuể, nhưng việc gây thiệt hại của chúng cũng không kém phần “ghê gớm”.
Thời gian gần đây, các nhóm lợi ích tận dụng các điều kiện, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm thực hiện lợi ích nhóm của mình, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội, thì trên các diễn đàn xuất hiện nhiều ý kiến bàn về nhóm lợi ích và lợi ích nhóm, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu các khái niệm này. Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích là những khái niệm không đồng nhất với nhau.
Qua các cách diễn đạt khác nhau có thể thấy trong thực chất người ta thường hiểu lợi ích nhóm là lợi ích chung, tương đồng nhau của một nhóm người nhất định trong xã hội. Còn nhóm lợi ích chính là nhóm người có chung lợi ích và muốn cùng nhau thực hiện lợi ích chung đó.
Có nhiều loại lợi ích nhóm khác nhau. Tùy theo góc độ phân tích, tiêu chí phân loại mà có thể có số lượng và tên gọi các nhóm lợi ích khác nhau. Trong lợi ích nhóm nói chung, có những lợi ích nhóm chính đáng, hợp lý, hợp pháp, tiến bộ, có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ngược lại, có những lợi ích không chính đáng, phi lý, phi pháp, có tác dụng phá hoại, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Trên cơ sở các loại lợi ích nhóm sẽ hình thành nên các nhóm lợi ích khác nhau, hoạt động và phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức để thỏa mãn tối đa lợi ích nhóm ở mức độ và quy mô có thể có được. Do vậy có thể nói, lợi ích nhóm và nhóm lợi ích như bóng với hình. Có lợi ích nhóm thì đương nhiên có nhóm lợi ích và ở đâu có nhóm lợi ích ở đó có lợi ích nhóm tồn tại.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng lợi ích của một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó chỉ được xã hội xem là lợi ích nhóm khi nó khác biệt, không giống với lợi ích của tập thể, cộng đồng lớn hơn, thậm chí chỉ khi nó gây nên những tác động, ảnh hưởng hay hiệu quả trái với lợi ích của cộng đồng lớn hơn trong quan hệ đang được xem xét.
Khi mà những nhóm lợi ích này bá vai bá cổ nhau, anh anh tôi tôi, nhằm vào việc nhận thầu một công trình trường học, trạm xá hay một con đường xuống cấp… để thi nhau bòn rút tiền ngân sách mà người dân phải chắt bóp để đóng thuế. Cứ giở những trang báo mỗi ngày thì sẽ thấy.
Một tỉnh nghèo với số thu hàng năm chỉ khoảng 1.800 tỉ đồng mà xây dựng một trung tâm bảo trợ xã hội có mức chi phí hơn 90 tỉ đồng, đáng nói hơn là xây rồi chỉ để bỏ hoang cho cỏ mọc lút đầu. Hay một huyện nghèo vùng sâu mà cũng dám bỏ ra 37 tỉ đồng để làm một con đường nhỏ dài chỉ vài cây số, vừa hết hạn bảo hành là đã xuống cấp, không thể đi lại được. Lại có một xã nghèo nọ mạnh dạn bỏ ra hơn 10 tỉ đồng đầu tư một trạm y tế, nhưng khi xây xong thì… không sử dụng được.
Thử hỏi ai duyệt, ai tổ chức đấu thầu, ai trúng thầu, ai giám sát những dự án này, ai đứng đằng sau những “doanh nghiệp cánh hẩu”?
Cứ rà soát ở mỗi địa phương xem thử có bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn nhờ “nước bọt”, nhận thầu rồi bán lại, hoặc đấu thầu kiểu giang hồ (vì đã được bảo kê) để chuyển dự án từ A sang A’ rồi A’’, sẽ rõ ngay vì sao công trình kém chất lượng và tiền bạc của dân chảy đi đâu. Hãy thử rà soát trên cả nước có bao nhiêu huyện xã, bao nhiêu công trình, mỗi năm chi bao nhiêu vốn ngân sách vào những công trình như thế, sẽ biết có vô vàn những nhóm lợi ích đang hoành hành và để lại những khoản nợ khổng lồ cho đất nước và nhân dân gánh chịu.
Nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm là có tội với nước, với dân
Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.
“Đương đầu với các lợi ích nhóm mà bảo không áp lực thì là nói dối. Nhưng dù phải chịu áp lực hơn nữa thì tôi cũng vẫn sẵn sàng. Người dân, doanh nghiệp đang mong mỏi lắm Chính phủ thực thi cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm, là có tội với nước, với dân”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
Phải nói là khí thế cải cách, chống tham nhũng đang đặc biệt mạnh mẽ. Không bao giờ chùn chân, tất nhiên là thế, nhưng đúng là tôi cũng có điều luôn thấp thỏm. Như đối với công cuộc cải cách về thể chế hiện nay. Muốn có cải cách mạnh thì nhiều vấn đề phải vượt ra ngoài luật.
Trên cương vị của người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.
Trong thực tiễn điều hành, Chính phủ đặt nguyên tắc bám vào quy định của pháp luật. Có những vấn đề thực tiễn mà pháp luật chưa theo kịp, đòi hỏi phải có sự quyết đoán và đồng thuận. Thủ tướng quyết đoán nhưng phải tạo được sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành. Mà muốn đạt được sự đồng thuận thì tất cả các thành viên Chính phủ phải gạt đi tư tưởng lợi ích nhóm, chỉ theo một mục tiêu duy nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị sẽ thay đổi theo hướng xấu, vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Khát vọng và hy sinh xương máu của hàng triệu đảng viên và nhân dân trong giải phóng và xây dựng đất nước sẽ trở nên xa vời, bị phản bội; mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được. Vai trò của Đảng sẽ bị thách thức; vai trò Nhà nước sẽ bị thương mại hóa, biến chất; dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt về quyền lực và tài sản của cải; chế độ xã hội sẽ trở thành không còn dân chủ và tự do; quyền lực và vật chất sẽ chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ
Hồng Đinh