+
Aa
-
like
comment

Chúng ta muốn sống ở thành thị hay nông thôn?

Đặng Trường - 25/01/2022 20:21

Xu hướng của xã hội, của con người là dịch chuyển từ nông thôn lên thành phố làm việc và tìm kiếm cơ hội phát triển, tạo nên không ít áp lực cho các thành phố lớn. Hiểu được nhu cầu cũng như tâm lý này, Việt Nam cũng đang có những chính sách hoạch định, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Nhiều vùng đất được quy hoạch, đô thị bắt đầu mọc lên là những dấu hiệu cho thấy quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta trong thời gian qua. Và hầu hết ai cũng nhận thấy tính ưu việt của việc phát triển đô thị, người dân bớt làm việc trực tiếp với tài nguyên thiên nhiên, giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng thu nhập với các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Không ít người cũng đang có mong muốn tìm được một đô thị sống xanh, sạch, đẹp. Mà ở đó, chúng ta không chỉ được thỏa mãn nhu cầu sống hiện đại, được hưởng các dịch vụ tiện ích y tế, giáo dục tốt nhất mà còn tiếp cận được những khu định cư văn minh. Chúng ta mong muốn sớm có một chính quyền đô thị hoạt động tốt để cuộc sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt. Quan trọng hơn, đô thị văn minh, phát triển kinh tế mạnh mẽ, nó sẽ như một cái phễu có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo tiền đề cho phát triển bền vững và trong đó, chính mỗi người dân đều được hưởng lợi.

Thực tế, thời gian qua, nhu cầu người dân chọn đô thị để sinh sống ngày càng tăng. Cũng chính vì lý do này mà Việt Nam đã và đang đặt mục tiêu phát triển đô thị. Mục tiêu này được ghi rõ trong văn kiện Đại hội XIII. Đặc biệt mới đây, chính sách phát triển đô thị và kinh tế đô thị đã được đưa vào Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Trong bối cảnh dịch bệnh, nếu các tỉnh/thành cùng thực hiện đồng bộ chính sách này thì ít nhiều cũng sẽ giảm phụ thuộc vào Chính phủ, ngân sách trung ương, tăng khả năng ứng phó với dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm 2022.

Hiện nay, các đô thị và kinh tế đô thị nước ta đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như của vùng và của tỉnh. Cho đến nay, có tới 70-80% hoạt động kinh tế được tạo ra ở các thành phố. Điều này không chỉ chứng minh người dân đang muốn ở thành thị mà còn cho thấy việc phát triển đô thị và kinh tế đô thị là một xu thế tất yếu. Việc hoạch định nó một cách rõ ràng là một giải pháp khôn ngoan để giúp Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều