“Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được”
Với yêu cầu giải ngân ít nhất 95% trong 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023 của Thủ tướng thì may ra chỉ có phạt tù thì mới kích thích cán bộ, lãnh đạo các cấp các ngành run sợ mà tăng tốc, bứt phá để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lâu nay trong lĩnh vực giải ngân vốn công đang xuất hiện thực trạng rất báo động là làm ít, sai ít, không làm chấp nhận bị khiển trách để “bảo toàn ghế”.
Không báo động sao được khi theo thống kê của Bộ Tài chính trong năm 2022 có 8/13 Bộ và 13/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0% . Ngay cả như TP.HCM, trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước thì đến ngày 31/1/2023 mới giải ngân được 71,3%, tương đương 26.636 tỉ đồng. Chính vì điều này mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tự hạ bậc thi đua. Thế nhưng, mấy ai dám thẳng thắn đứng ra tự nhận khuyết điểm và hình phạt như Chủ tịch Phan Văn Mãi?
Trong bối cảnh các gói kích cầu đang được cân nhắc, thì đầu tư công phải là mũi nhọn để cứu nền kinh tế đã rơi vào suy kiệt. Chính phủ đã liên tục họp và ra các giải pháp như quy trách nhiệm, lập ban chỉ đạo,… để tháo gỡ khó khăn, thúc ép các bộ ngành và địa phương tăng tốc giải ngân. Nhưng chậm vẫn là chậm, muôn vàn lý do để trì hoãn, để đổi lỗi. Tuy vậy, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, giải ngân đầu tư công giờ thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư là lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chứ không phải Bộ Tài chính hay Kế hoạch đầu tư. Vấn đề cụ thể hóa trách nhiệm, trước đó đã được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nói rất nhiều lần. Bởi số tiền ngân sách đã được chi thẳng xuống các địa phương.
Chắc ai cũng ít nhất nghe qua câu chuyện rằng, cứ đến cuối năm là lãnh đạo một số địa phương phải thay hết máy tính cho nhân viên dù cho mới sử dụng một năm. Khi thắc mắc thì được trả lời đây là kế hoạch phải chi hết tiền ngân sách rót xuống không bị hạ thi đua.
Thế nhưng, ấy là khi những đại án về mua sắm trang thiết bị, đấu thầu, sử dụng tài sản công chưa bị phanh phui và gây chấn động. Còn bây giờ sau khi tấm gương về Việt Á hay các vụ thổi giá đấu thầu thiết bị y tế bị đưa ra ánh sáng thì cán bộ không dám thẳng tay nữa. Không phải tất cả nhưng hầu như đều mang tâm lý sử dụng một đồng tiền công cũng sợ vào tù, chấp bút kí một cái cũng sợ sai quy trình. Thế nên thà bị phê bình còn hơn mất chức.
Chính vì thế, dù có vận động ra sao thì cũng khó có thể xóa bỏ tâm lý an toàn đó. Vậy nên bên cạnh việc các địa phương nên có một mô hình hành chính công, xử lý vướng mắc 24/7 để tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp như Quảng Ninh đã làm thì cần phải có một hình phạt cứng rắn hơn. Không chỉ quy trách nhiệm cho người đứng đầu mà phải nên có một vài quy định liên quan đến hình sự. Mất chức đáng sợ nhưng đi tù còn khủng khiếp hơn. Đã ngồi vào ghế, ăn lương của dân là phải làm tròn trách nhiệm! Và những quy định này cũng cần phải nhanh chóng và vội vã lên bởi những khó khăn về kinh tế vẫn đang chờ đợi phía trước!
Công Luân