Chuẩn bị tinh thần gỡ khó cho mục tiêu tăng trưởng cuối năm 2023
Với kết quả tăng trưởng thấp của 6 tháng đầu năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thống Kê cho rằng: “Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, khi kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó dự báo”.
Kể từ đầu năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể về số lượng các đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài. Chỉ số ngành sản xuất PMI của Việt Nam vừa công bố 3/7 cũng chỉ đạt 46,2 trong tháng 6. Mặc dù con số này tăng nhẹ so với mức 45,3 của tháng 5, nhưng đây vẫn là vùng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này cho thấy điều kiện kinh doanh của Việt Nam liên tục suy giảm.
Nhưng dù vậy các tác động toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những cơn bão ngược vẫn đang hình thành và sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tăng trưởng Việt Nam. Hai trong số các tác động lớn nhất và rõ nhất hiện nay là đến từ Mỹ và Châu Âu.
Với Mỹ, lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa dừng lại, và kể cả khi nó dừng lại, thì Fed vẫn phải neo mức lãi suất cao trong thời gian đủ lâu để đối phó lạm phát. Chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, chính vì vậy mà những tác động vừa qua vẫn chưa phải là tồi tệ nhất.
Đáng quan tâm hơn nữa là các vụ vỡ nợ đang xuất hiện ngày một nhiều, tạo điều kiện xấu và khó hồi phục cho nền kinh tế Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, Mỹ đã ghi nhận 41 trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 5, tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ tại Mỹ đã tăng lên mức cao. Điều này cho thấy các công ty Mỹ đang gặp khó khăn vì lãi suất tăng cao và triển vọng kinh tế không ổn định. Tác động từ vỡ nợ sẽ khiến việc việc chi tiêu tiêu dùng chậm lại do người dân và doanh nghiệp phải ưu tiên dòng tiền cho việc trả nợ. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại nền kinh tế Trung Quốc.
Còn với Châu Âu, một câu chuyện phức tạp hơn đang hình thành. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày tại Brussels vào thứ sáu 30/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cam kết giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Sự tách rời một số lĩnh vực châu Âu khỏi Trung Quốc theo đó sẽ làm các doanh nghiệp EU mất thị trường, mất đối tác tại Trung Quốc. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, khiến Việt Nam mất đơn hàng.
Toàn cầu hóa đã đi qua để lại một nền kinh tế thế giới nhuốm màu sắc chính trị. Các nước từng là đối tác của nhau giờ đây lại quay lưng và chia rẽ sâu sắc. Những căng thẳng về thương mại sẽ có thể châm ngòi bất kỳ lúc nào nếu các bên vấp phải xung đột về mặt chính trị. Việt Nam đã từng hứng chịu một tác động tương tự là giữa Nga và Ukraine khi đó là xung đột về quân sự. Xung đột về chính trị tuy không tồi tệ bằng nhưng tác động vẫn là rất lớn.
Mỹ, Liên minh Châu âu (EU) và Trung Quốc là ba nền kinh tế lớn đóng góp quan trọng cho kinh tế toàn cầu. Thế nhưng trong khi Mỹ đang dần đến suy thoái, Châu âu và Trung Quốc lại nổ ra những căng thẳng về thương mại. Nhìn tổng thể, động lực tăng trưởng từ bên ngoài (đơn đặt hàng) của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó kinh tế trong nước cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với khó khăn lớn về mặt tăng trưởng.
Song kinh tế Việt Nam vẫn sẽ giữ được ổn định, do có nhiều yếu tố hỗ trợ, hai trong số đó là đầu tư công và dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.
Về đầu tư công, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đã tăng 30,49%, tương đương 216 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 817.307,3 tỷ đồng gấp 2 lần giai đoạn 2016-2020. Nguồn tiền khổng lồ này từ ngân sách nhà nước sẽ là động lực thay thế cho nguồn vốn đầu tư toàn cầu bị suy giảm.
Về dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, ngày 4/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ “chắc chắn” của tháng 10/2022 chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn”. Theo Thủ tướng, lạm phát tại nước ta đang giảm dần còn 3,29%, nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát, đã tạo ra điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới, đó là giúp chúng ta có dư địa nới lỏng chính sách. Do đó chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thay đổi về mặt chính sách này sẽ giúp kích cầu trong nước, ngăn không cho kinh tế suy thoái bởi tác động từ bên ngoài.
Nhìn chung Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng nhờ vào kinh tế ổn định. Đó là cơ sở để chúng ta tìm ra phương hướng tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay cũng như trụ vững qua những cơn gió ngược để đón đầu những cơn gió mát khi tình hình quốc tế được cải thiện.
Huy Hoàng