“Chưa bao giờ, uy tín và vị thế của Việt Nam mạnh như bây giờ!”

Đó là nhận định mà trang Gulf Times (Qatar) vừa đăng tải trong bài viết mới nhất, trong đó nhấn mạnh sự phát triển ổn định của nền kinh tế, an ninh xã hội đã khiến Việt Nam ngày càng có tiếng nói trên trường quốc tế. 

Theo Gulf Times, một trong những yếu tố quan trọng làm nên vị thế quốc gia của Việt Nam chính là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Tháng 5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “ổn định”. Trong bảng đánh giá mới nhất của tổ chức này, Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong năm 2022.

Trước đó, hai tổ chức quốc tế hàng đầu về xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch Ratings và Moodys cũng đưa ra những đánh giá tương đồng. Cần nhấn mạnh rằng, để được nâng hạng tín nhiệm và triển vọng, các quốc gia phải trải qua những đợt khảo sát, đánh giá gắt gao dựa trên các tiêu chí quan trọng như thu nhập bình quân đầu người, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, thành tựu công bằng xã hội, tài chính công… Đổi lại, những xếp hạng của 3 tổ chức trên là chứng nhận cho “sức mạnh” của một nền kinh tế, là số liệu tin cậy để các nhà đầu tư, kinh doanh tham khảo.

Thành tích nêu trên thực sự đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và tiếp tục phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19.

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế dương bất chấp những tác động từ đại dịch và sự bất ổn của kinh tế thế giới. Chất lượng cuộc sống của người Việt Nam được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, trong đó có nhiều tiêu chí gây ấn tượng, ngang với những nước phát triển. Môi trường ổn định, yên bình cùng người dân thân thiện đã thuyết phục rất nhiều người nước ngoài lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã trở thành “anh hùng” trong mắt bạn bè thế giới với những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời và quyết liệt. Ngoài thành công trong công tác phòng, chống dịch trong nước, bảo hộ người Việt ở nước ngoài, Việt Nam còn hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế.

Hành trình 35 năm Đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Trong đó, có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn thiết lập quan hệ với 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với 190/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam tham gia là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn.

Hơn thế nữa, Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm rất cao trong các tổ chức quốc tế. Bằng việc tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hay các tổ chức của Liên hợp quốc… Việt Nam đã đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng.

Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam đã hoàn thành tốt cùng lúc cả 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế của thời đại.

Trung tuần tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện chuyến công tác tại Mỹ để tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ và thăm làm việc tại với Liên hợp quốc. Có thể nói, một tuần công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ đã thành công rất tốt đẹp. Thành công đó không chỉ thể hiện ở những thỏa thuận được ký kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ với các đối tác Việt Nam, mà quan trọng hơn là Mỹ và cộng đồng quốc tế có dịp hiểu thêm về Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển nhanh, có vị thế, sẵn sàng hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với Mỹ và mọi quốc gia khác trên thế giới…

Có thể thấy, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới, theo Gulf Times.

Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay còn diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 đã căn bản được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số vùng lãnh thổ. Các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề lạm phát, an ninh lương thực hay an ninh năng lượng… Những khó khăn trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thử thách để Việt Nam chứng tỏ bản lĩnh, tiềm lực của mình, tiếp tục vươn lên trên các lĩnh vực, thể hiện uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Từ đó sẽ tạo nền móng vững chắc góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong chặng đường phía trước, trang Gulf Times nhận định.

Lan Hoa (Theo Gulf Times)