+
Aa
-
like
comment

Khi ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín bị xóa nhòa

Bảo Trâm - 27/06/2024 15:29

Trong thời gian qua, những phát ngôn từ chùa Ba Vàng đã gây ra làn sóng tranh cãi và lo ngại sâu sắc trong cộng đồng. Những tuyên bố này không chỉ đơn thuần là những quan điểm cá nhân, mà còn mang theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa đến nền tảng đạo đức, tín ngưỡng và khoa học của xã hội.

Bà Phạm Thị Yến cho rằng anh hùng chiến sĩ chịu quả báo nhẹ vì bảo vệ đất nước, trong khi ông Thích Trúc Thái Minh tuyên bố gần 100% bệnh ung thư là do nghiệp báo. Thậm chí liên hệ việc làm con của nạn nhân chất độc da cam với ác nghiệp. Đáng chú ý, trụ trì chùa Ba Vàng này còn đề xuất các phương pháp như “thỉnh vong”, “xám hối cho vong” để giải quyết vấn đề, thậm chí gợi ý “đề nghị vong đòi của cải thay vì đòi mạng”.

Trước hết, cách giải thích về “nghiệp báo” của ông Thích Trúc Thái Minh đã đi ngược lại với những giáo lý cơ bản của đạo Phật. Thay vì tuân theo lời dạy của Đức Phật về thuyết “Trung đạo”, tránh cực đoan trong mọi vấn đề, những lời giải thích này đã đơn giản hóa một cách nguy hiểm khái niệm phức tạp về nghiệp. Điều này không chỉ làm sai lệch giáo lý Phật giáo mà còn tạo ra những hiểu lầm nguy hại trong cộng đồng tín đồ.

Không dừng lại ở đó, phát ngôn của bà Phạm Thị Yến về “quả báo” đối với anh hùng liệt sĩ là một đòn giáng mạnh vào truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Việc quy kết những người đã hy sinh vì Tổ quốc phải chịu “quả báo” không chỉ xúc phạm đến những anh hùng dân tộc mà còn gây tổn thương sâu sắc cho gia đình của họ. Đây là một hành động thiếu tôn trọng đối với lịch sử và văn hóa của đất nước.

Đáng lo ngại hơn, những tuyên bố thiếu cơ sở khoa học như “gần 100% bệnh ung thư là do nghiệp báo” có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Khi lan truyền những thông tin sai lệch về y học, những phát ngôn này có thể khiến bệnh nhân từ chối điều trị y tế chính thống, đặt cuộc sống của họ vào tình trạng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc đề xuất các phương pháp như “thỉnh vong”, “xám hối cho vong” có thể được xem là cách để trục lợi từ nỗi sợ hãi và niềm tin của tín đồ. Đây là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng mà Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo và kết luận là không phù hợp với nghi lễ Phật giáo truyền thống.

Điều đáng nói nhất là, dù không giữ bất cứ chức sắc gì trong chùa, nhưng người bà Phạm Thị Yến thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng, ngồi giảng pháp cho hàng nghìn phật tử. Bà Yến cùng các bài giảng của mình ngoài việc xuất hiện công khai trong các tài liệu tuyên truyền chính thống của chùa Ba Vàng, còn sở hữu nhiều kênh mạng xã hội có lượt theo dõi rất lớn.

Với lượng người theo dõi lớn, những video và bài đăng từ các kênh liên quan đến chùa Ba Vàng có thể đạt hàng trăm nghìn lượt xem, góp phần phổ biến những quan điểm sai lệch một cách rộng rãi và nhanh chóng. Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng gây ra hệ lụy vô cùng lớn. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần sớm có tiếng nói chính thức và mạnh mẽ về vấn đề này. Cần làm rõ ranh giới giữa tự do tín ngưỡng và trách nhiệm xã hội của các nhà tu hành, đồng thời khẳng định lại những giá trị cốt lõi của đạo Phật về lòng từ bi và trí tuệ. Vai trò của bà Phạm Thị Yến cũng cần làm rõ. Đâu phải cứ mặc áo nâu lên là cầm mic muốn nói gì thì nói.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều