+
Aa
-
like
comment

Thấy gì từ mục tiêu của Quốc hội đề ra cho Chính phủ?

Mạnh Hải - 18/11/2022 14:43

Trong lễ bế mạc kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa khẳng định tính quan trọng của việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là những cơ sở quan trọng giúp Chính phủ định hình phương hướng điều hành kinh tế, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục có nhiều biến động trong giai đoạn từ nay đến 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, QH Khóa XV

Cơ sở cho sự ổn định kinh tế vĩ mô là các chỉ tiêu kinh tế phải nằm trong tầm kiểm soát và có được sự cân đối trong quá trình vận hành của nền kinh tế. Cụ thể hơn, đó là đảm bảo cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, sự an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ.

Việt Nam vẫn đang ưu tiên theo đuổi việc kiểm soát lạm phát ở trong mức cho phép – mức lạm phát mục tiêu của nước ta năm nay là 4%. Bởi lẽ, lạm phát có ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến đời sống người dân, mà đặc biệt là những người lao động làm công ăn lương – là những người có thu nhập và tài sản chủ yếu bằng tiền. Và cho đến hiện tại, về cơ bản, lạm phát ở nước ta vẫn đang được kiểm soát tương đối tốt, nhất là nếu so với các nước khác trên thế giới. Ví dụ như Mỹ hay các nước châu Âu đã có lúc lạm phát lên cao xấp xỉ 10% hoặc hơn.

Tuy nhiên, cũng có những sự linh hoạt trong chính sách chứ không phải hoàn toàn cứng nhắc. Trên cơ sở đánh giá mức lạm phát của nước ta trong 9 tháng đầu năm là tương đối thấp và áp lực mất giá của đồng Việt Nam (VND) so với đô la Mỹ tăng lên, NHNN đã nới biên độ tỷ giá lên +/-5%. Hay như mới đây, Quốc hội cũng đã chấp nhận để tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5% trong năm 2023.

Những sự điều chỉnh ấy chính là để giảm áp lực đối với tăng trưởng kinh tế – một chỉ tiêu quan trọng tiếp theo. Trong khi nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã tăng lãi suất rất nhanh và mạnh từ đầu năm 2022, thì mãi tới tháng 9, và sau đó là trong tháng 10, NHNN mới bắt đầu tăng lãi suất điều hành 2 lần thêm 1% nhằm ngăn sự mất giá của VND cũng như góp phần đảm bảo lạm phát tiếp tục ổn định. Điều này đã giúp các doanh nghiệp có những khoảng thời gian quý giá để khôi phục hoạt động sau giai đoạn đại dịch Covid-19.

NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát

Chính phủ cũng đã liên tục hối thục hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công, một công cụ tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng. Dù vậy, ở mặt này, khách quan mà nói thì tình hình chung tương đối trì trệ, có lẽ cũng là do e ngại có thể tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát.

Tín dụng cũng được kiểm soát rất chặt chẽ thời gian qua, để tránh dòng vốn của nền kinh tế chảy vào những lĩnh vực rủi ro hay những hoạt động đầu cơ, gây ra sự mất cân đối. Bất chấp những sự hối thúc về việc nới room tín dụng, NHNN đã kiên định giữ mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 là 14% nhằm đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Các vụ việc sai phạm trên thị trường trái phiếu cũng liên tục được đưa ra xử lý.

Như vậy, đến đây, chúng ta thấy được, Chính phủ và NHNN đã có sự linh hoạt xác định mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn nhưng đồng thời giữ tinh thần xuyên suốt là ưu tiên kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định cho kinh tế vĩ mô. Và những kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Chính phủ kiên trì theo đuổi các mục tiêu ấy.

Giai đoạn cuối 2022 và trong năm 2023, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Tuy vậy, chúng ta vẫn có cơ sở để kỳ vọng rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự thận trọng của Quốc hội, Chính phủ, NHNN trong quá trình điều hành kinh tế, với quan điểm nhất quán giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam ít nhất sẽ có thể giảm được tác động từ những cơn giông tố trong năm 2023.

Mạnh Hải

Bài mới
Đọc nhiều