Chủ động ứng phó thuế quan – phản xạ chiến lược trong thời điểm sinh tử
Khi thế giới vẫn quay cuồng trong vòng xoáy bất ổn – từ địa chính trị, bảo hộ thương mại đến khủng hoảng chuỗi cung ứng – thì việc Việt Nam kịp thời đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, chỉ vài ngày trước hạn tăng thuế ngày 9/7, đã trở thành một điểm sáng đặc biệt trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, cải cách hành chính hay đầu tư công, mà còn đặt một trọng tâm chiến lược: Chủ động đàm phán thuế quan với Mỹ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây không đơn thuần là chuyện của các bộ ngành, mà là bài toán cấp thiết để bảo vệ sinh kế của hàng triệu người lao động, hàng vạn doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chỗ đứng giữa thương trường toàn cầu khắc nghiệt.
Đàm phán thuế quan – phản xạ chiến lược trong thời điểm sinh tử
Sau cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam đã đạt được điều tưởng chừng không thể: Mỹ đồng ý hạ thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam từ mức 46% xuống còn 20%, tránh được cú sốc nặng nề có thể khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực – như dệt may, đồ gỗ, điện tử – khựng lại. Đổi lại, Việt Nam chấp nhận mở rộng cửa thị trường cho hàng Mỹ, đặc biệt là ô tô, công nghệ và nông sản.
Thủ tướng gọi đây là “tinh thần hợp tác có đi có lại, vì lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, một cách tiếp cận khôn ngoan trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển từ tự do thương mại sang chủ nghĩa vụ lợi quốc gia. Trong khi nhiều nước loay hoay đối phó với chính sách tăng thuế kiểu “America First”, Việt Nam đã kịp thời đàm phán một lối mở, chứng minh bản lĩnh ngoại giao thương mại không chỉ mềm mỏng mà còn rất thực dụng và hiệu quả.
Không dừng ở Mỹ, Thủ tướng chỉ đạo rõ ràng: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu phải trở thành nguyên tắc hành động. Nói cách khác, Việt Nam không thể tiếp tục lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc hay EU. Trong khi đó, dư địa cho xuất khẩu sang Nam Á, Trung Đông, châu Phi và khu vực Mỹ Latin vẫn còn rất lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Đây là thời điểm vàng để thiết lập lại bản đồ thương mại. Những thị trường mới nổi tuy nhỏ hơn về giá trị đơn hàng, nhưng phân tán rủi ro tốt hơn và tránh được đòn “thuế quan chính trị”. Chính phủ đã, đang và cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng mạng lưới FTA (hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam sở hữu vào loại lớn nhất thế giới.

Không để doanh nghiệp bị sốc đơn phương
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng khốn đốn vì các cú sốc đơn phương: Mỹ áp thuế chống bán phá giá, EU siết tiêu chuẩn môi trường, Trung Quốc thay đổi chính sách cửa khẩu… Lỗi không hẳn ở họ – mà ở chỗ chưa có được hệ thống dự báo chính sách và phản ứng kịp thời. Chính phủ lần này không để chuyện đó lặp lại.
Ngay trong phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đặc biệt là Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch – Đầu tư tăng cường vai trò đầu mối cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và định hướng thị trường. Quan trọng hơn, cần thiết lập các cơ chế thương lượng mềm dẻo, kết hợp ngoại giao cấp cao, hành lang pháp lý và thương thuyết kỹ thuật để doanh nghiệp không đơn độc trên mặt trận thương mại quốc tế.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp tháng 6, có thể thấy Chính phủ đang thực sự vào “chế độ phản ứng nhanh” trước các nguy cơ mới. Không để nước đến chân mới nhảy, mà đón đầu rủi ro bằng đàm phán và linh hoạt thị trường, là cách duy nhất để bảo vệ lực đẩy xuất khẩu – một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.
Việt Nam đã đi qua một cuộc khủng hoảng COVID bằng chính sách vĩ mô linh hoạt và niềm tin vào thị trường mở. Giờ đây, trong giai đoạn khủng hoảng thuế quan, Việt Nam tiếp tục chứng minh một điều: khả năng thích nghi chính là vũ khí cạnh tranh bền vững nhất. Và doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, hoàn toàn có cơ sở để yên tâm rằng: họ không một mình đối mặt với thế giới.
Ngọc Lâm