Chống dịch ở TP.HCM: Từ bài toán lỗ đạn trên máy bay đến chiến thuật tiêm vaccine “vùng xanh”
Trong các cuộc họp gần đây với Chính phủ, TP.HCM cũng đã bắt đầu xem xét giải pháp xử lý mới, đẩy mạnh xét nghiệm vùng có nguy cơ và nguy cơ cao để tìm F0 sao cho không tiếp tục lây lan. Đồng thời, tập trung giữ “vùng xanh” bằng chiến lược tiêm vaccine mới. Chiến lược này rất giống với bài toán lỗ đạn trên máy bay của nhà toán học người Mỹ Abraham Wald, nói về lớp giáp không cần dùng cho những nơi có nhiều lỗ đạn. Nó cần được bọc ở những nơi không có lỗ đạn là động cơ.
Dù không mong muốn nhưng TP.HCM vẫn đang là “vùng đỏ” lớn nhất của cả nước, người dân đã trải qua gần 3 tháng chiến đấu với giặc Covid-19, đời sống cũng dần thích nghi với sự tồn tại của Covid-19. Gần như, chúng ta đều đang cố gắng, chủ động tự bảo vệ mình trước dịch bệnh bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Theo các nghiên cứu khoa học thì việc tiêm chủng ngừa Covid-19 chỉ đạt hiệu quả cao nhất sau khi tiêm mũi thứ hai. Đặc biệt, TS.BS Phạm Quang Thái thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhấn mạnh: “Vaccine Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine Covid-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên”. Điều này có nghĩa là với những vùng có nguy cơ cao mà tiêm vaccine thì cũng phải chờ thời gian vaccine phát huy tác dụng bảo vệ, chứ không phải vừa tiêm xong là được bảo vệ ngay khỏi Covid-19. Thế nên, việc tiêm gần như không có ý nghĩa với những nơi thuộc “vùng đỏ” của TP.HCM.
Cho tới thời điểm hiện tại, mọi thứ tốt nhất vẫn đang dành cho TP.HCM chống dịch, bao gồm cả số lượng vaccine cũng được đổ về nhiều nhất cả nước. Nếu nhìn kỹ chiến lược tiêm vaccine ở TP.HCM, chúng ta sẽ thấy khu vực phân bổ tiêm chủng đang có sự thay đổi. Vaccine đang được tiêm ở những “vùng đệm” đầu tiên. Tức là trong TP.HCM sẽ ưu tiên cho những nơi chưa có dịch hoặc ít nguy cơ lây nhiễm nhằm tăng cường bảo vệ những “vùng xanh” đó trước, đây được xem là giải phải tối ưu nhất trong chiến dịch tiêm chủng của thành phố.
Hơn nữa, chúng ta không chỉ bảo vệ “vùng xanh” ngay tại TP.HCM mà còn cần đẩy mạnh tuyến phòng vệ cho các địa phương chưa có dịch để giảm bớt nguy cơ gây áp lực cho TP.HCM trong tương lai. Bởi lẽ, một khi các tỉnh phía Nam bùng phát nhiều ca mắc Covid-19 thì không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế địa phương mà còn lên cả hệ thống y tế của TP.HCM, ảnh hưởng đến cả nhân lực và vật lực đang tập trung chống dịch ở thành phố. Vì nơi đây tập trung rất nhiều bệnh viện chuyên ngành, đội ngũ y bác sỹ chuyên môn cao, là tuyến cuối trong hệ thống y tế quốc gia. Hiện nay, số lượng mũi tiêm tại TP.HCM là cao nhất cả nước với 1.309.728 mũi, trong khi đó số mũi tiêm của các tỉnh lận cận “vùng đỏ” này còn khá khiêm tốn: Long An (73.921), Bà Rịa Vũng Tàu (31.935), Đồng Nai (76.705), Bình Dương (77.169), Tây Ninh (42.716), Bình Phước (55.969), Tiền Giang (55.510),… Con số này cần được đẩy lên cao và lên nhanh hơn nữa nếu như không muốn TP.HCM “vỡ trận”. Có thể nói, việc tiêm vaccine hiện nay giống như việc cứu hỏa, không chỉ tập trung vào cứu chữa người và vật chất trong đám cháy mà phải sơ tán, cứu cả những con người, vật chất ở khu vực lân cận, đồng thời trang bị thêm công cụ để người dân tự bảo vệ khi đám cháy lan tới, nhằm giảm tối đa hậu quả thiệt hại.
Cánh Cò xin kể thêm câu chuyện bài toán lỗ đạn của nhà toán học Abraham Wald. Trong thế chiến thứ II, khi các máy chiến đấu Mỹ quay trở về từ chiến trường ở Châu Âu, chúng bị phủ đầy các lỗ đạn nhưng sự hư hại không phân bố đều trên máy bay. Phần thân máy bay có nhiều lỗ đạn, còn ở động cơ thì không có mấy. Các sỹ quan Mỹ muốn làm “lớp giáp”, vá lại hết những lỗ thủng, là những nơi máy bay thường trúng đạn nhất nhưng Abraham Wald cho rằng: “Lớp giáp không cần dùng cho những nơi có nhiều lỗ đạn mà nó cần được bọc ở những nơi không có lỗ đạn đó là động cơ”. Vì sao ư? Nếu các hư hại phân bố đều nhau trên toàn bộ máy bay thì lý do các máy bay quay trở về có ít lỗ đạn trên động cơ là vì những chiếc bị trúng nhiều đạn trên động cơ đã không thể quay trở lại. Việc nhiều máy bay quay trở lại căn cứ với phần thân lỗ chỗ vết đạn là một bằng chứng mạnh mẽ rằng trúng đạn ở thân máy bay có thể chấp nhận được, còn động cơ chính là tử huyệt của máy báy. Bật mí cấu trúc ẩn sau bài toán lỗ đạn là một hiện tượng gọi là thiên lệch kẻ sống sót.
Từ bài toán này, ta có thể ứng dụng vào vấn đề tiêm vaccine cho TP.HCM và các địa phương khác. Tiêm vaccine là cần thiết để bảo vệ và sớm miễn dịch cộng đồng nhưng cần thấy rằng những khu vực lây nhiễm cao thì dù có đổ bao nhiêu vaccine vào đó cũng không còn nhiều ý nghĩa, thậm chí là lãng phí. Thay vào đó, phải tìm những nơi được xem là “tử huyệt”, tiêm chủng thật nhanh để thiết lập “lớp giáp” phòng vệ cho vùng đó. Có như vậy, chúng ta mới có một chiến lược tiêm chủng thành công và sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện nay, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả nước, chúng ta đang nỗ lực hết sức để “cứu” TP.HCM và thành phố cũng cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược tiêm vaccine hiệu quả, tập trung. Để giúp thành phố nhanh chóng hoàn thành chiến lược này, thiết nghĩ cần phải có sự kiên nhẫn, đồng lòng thực hiện của người dân. Đó là người dân “vùng xanh” khẩn trương đăng ký tham gia chiến dịch tiêm chủng. Người dân ở “vùng đỏ” thì nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K, chấp hành tốt các quy định giãn cách, kiên nhẫn chờ khu vực của mình chuyển sang xanh và chuẩn bị cho việc tiêm phòng. Có như vậy thì TP.HCM mới vượt qua lưới lửa đạn nhanh và trọn vẹn nhất.
Đặng Trường