Chống chạy chức để chọn người vào bộ máy lãnh đạo khóa mới
Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền để chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo khóa mới.
Ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức TƯ (Tổ trưởng Tổ biên tập đề án về vấn đề này) chia sẻ với báo chí, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới
Theo ông Hưng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và các nghị quyết của TƯ về xây dựng Đảng.
Trong đó, Nghị quyết 26 TƯ 7 đã yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các trường hợp có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền;
Nghị quyết cũng yêu cầu “kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ…”; nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ, đảng viên để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.
Ông Hoàng Trọng Hưng nhắc lại lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị TƯ 7, khóa 12 đề cập việc hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ.
Tổng bí thư cũng yêu cầu phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.
“Trong thời điểm các cấp ủy triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng 13, việc ban hành và thực hiện Quy định này càng cần thiết đối với công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cần lên án mạnh mẽ chạy chức, chạy quyền
Chánh Văn phòng Ban Tổ chức TƯ chia sẻ, để thực hiện hiệu quả quy định này, ngoài việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa, môi trường lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
“Cần lên án mạnh mẽ việc chạy chức, chạy quyền và các hiện tượng tiêu cực khác trong công tác cán bộ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Đồng thời, phải đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm Quy định này gắn với thực hiện có hiệu quả quy định về trách nhiệm nêu gương, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp.
“Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm”, ông Hưng nói.
Trong đó, cấp ủy các cấp thường xuyên tự kiểm tra, tự đánh giá công tác cán bộ, thực hiện cấp trên kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ và theo chuyên đề, chuyên ngành.
Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể và của cá nhân cán bộ, đảng viên trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân…
“Điều căn bản là phải xây dựng cho được một môi trường lành mạnh, văn hóa, đề ra cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Theo tôi, quy định này của Bộ Chính trị đã có các biện pháp cụ thể, cần thiết và mạnh mẽ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Nói về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân” để mặc cả chức vụ, ông Hưng cho rằng, thực tế có những cán bộ khi được tổ chức sắp xếp vào vị trí nào đó nhưng họ lại dùng thành tích, lý lịch gia đình để đòi hỏi vị trí khác.
“Việc mặc cả trong công tác cán bộ tạo ra môi trường không tốt. Mục đích của quy định trên là tạo ra môi trường minh bạch, chọn được người xứng đáng, phù hợp trong bộ máy chính trị”, ông Hưng nói.
Thu Hằng/ Vietnamnet