+
Aa
-
like
comment

Cho vay nhưng không nắm tài sản, ngân hàng mang ngân sách thí tốt!

Phạm Khoa - 27/12/2022 12:00

Câu chuyện đang gây chú ý đến từ một văn bản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận gửi VKSND tỉnh Bình Thuận. Theo đó, cơ quan này đã đề cập đến dấu hiệu vi phạm trong hoạt động cho vay khi đơn vị này tiến hành kê biên tài sản thi hành án đối với Công ty TNHH Suối Cát (TP. Phan Thiết).

Dự án của Công ty TNHH Suối Cát

Đây là bản án số 02/2018/KDTM-ST được thành lập ngày 15/08/2018 bởi TAND TP Phan Thiết. Nội dung bản án tuyên buộc Công ty TNHH Suối Cát phải trả cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) số tiền hơn 405 tỷ đồng gồm cả lãi và gốc, cùng hơn 500 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Câu chuyện bắt đầu nóng lên khi trong quá trình tổ chức kê biên tại thực địa, đối chiếu với các hợp đồng thế chấp, người của Cục THADS tình Bình Thuận phát hiện các hạng mục công trình trên không được thi công xây dựng và tài sản không được hình thành trên thực tế. Điều đó có nghĩa là trước mắt, không thể đảm bảo nguồn tài sản phục vụ công tác thu hồi nợ, và khả năng cao sẽ mất phần lớn khoản vay.

Đây là một sự việc nghiêm trọng, và theo nhận định của Cục THADS tỉnh Bình Thuận, thì ngân hàng cho vay nhưng không xác định được tài sản thế chấp là có dấu hiệu vi phạm các qui định về cho vay trong hoạt động tín dụng ngân hàng, khả năng gây thất thoát vốn của Nhà nước.

Thật ra, pháp luật cho phép được giao dịch đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai. Tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 có nêu rõ điều đó. Tuy nhiên, là một ngân hàng có vốn nhà nước thì bộ phận pháp chế và các cá nhân chịu trách nhiệm xem xét khoản vay cần có sự tỉnh táo. Và phải tuân thủ chặt chẽ quy trình giải ngân cũng như giám sát tiến độ thi công, và các phần việc liên quan, đảm bảo cho phần tài sản hình thành dựa trên vốn vay được thực tế tồn tại.

Đây không chỉ là điều mà Cục THADS tỉnh Bình Thuận đang đối diện, nhiều năm nay, tình trạng khoản vay một đằng, tài sản đảm bảo vay một kiểu đã không còn xa lạ với nhiều Cục THADS ở nhiều địa phương khác. Nguyên nhân là do một số ngân hàng, vì muốn có thêm khách hàng, đã bỏ qua rất nhiều quy định quan trọng trong đảm bảo, giám sát tài sản hình thành từ vốn vay.

Chưa xét đến yếu tố tiêu cực, thì chỉ tiêu và hàng tá các áp lực khác đã khiến tâm lý nhân viên tín dụng của ngân hàng càng lúc càng thực dụng. Chỉ cần khách hàng vay được, đạt chỉ tiêu tháng, của năm; còn rủi ro thì tới đâu hay tới đó. Đặc biệt, tâm lý này khá phổ biến ở các ngân hàng có vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, do vẫn tồn tại nhiều quy định cho vay cứng nhắc, lỗi thời, tạo kẽ hở để khách hàng trục lợi nếu được nhân viên tín dụng giúp sức, nên mới có chuyện lỗ kim thì con kiến chui không lọt, nhưng con voi lại chui lọt.

Tiền một khi đã vào tay doanh nghiệp thì dù giám sát chặt chẽ đến mấy, quyền chủ động cũng không còn nằm ở phía ngân hàng. Đặc biệt, giao dịch đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Một số doanh nghiệp gian dối, thậm chí lừa đảo, đã nhìn thấy lỗ hổng “vàng” này. Họ sẵn sàng dựng lên các dự án thật giả lẫn lộn, mua chuộc nhân viên tín dụng để vay tiền làm dự án. Cho nên, ngoài việc chọn mặt doanh nghiệp để cho vay, ngân hàng phải tích cực giám sát tiền của mình, vì mọi hành vi sử dụng tiền sai mục đích của bên vay đều dẫn đến những hệ quả khó lường.

Thời gian tới, thiết nghĩ cũng nên có hành lang pháp lý chặt chẽ và chi tiết hơn đối với nội dung thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, để hạn chế thấp nhất những nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước như vụ án của Công ty TNHH Suối Cát.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều