Chính phủ tạm thời bỏ, Hà Nội vẫn áp dụng Chỉ thị 16
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó có nội dung tạm dừng áp dụng các chỉ thị 15, 16, 19 thì tới trưa ngày 13/10, tại các cửa ngõ Hà Nội vẫn áp dụng kiểm soát phương tiện người ra vào theo chỉ thị 16.
Trong sáng 13-10, tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào TP Hà Nội, người dân phải thực hiện khai báo y tế, có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ, giấy tờ tùy thân, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra, vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch…
Đến 12h trưa 13-10, Hà Nội vẫn chưa ban hành chỉ thị, cũng như hướng dẫn mới về việc kiểm soát người ra vào TP sau nghị quyết của Chính phủ.
Tại trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, hàng dài phương tiện, người dân vẫn phải xếp hàng để thực hiện khai báo y tế, cũng như xuất trình các giấy tờ liên quan để được ra, vào thủ đô, các trường hợp không đủ các giấy tờ nêu trên, lực lượng chức năng sẽ buộc quay đầu.
Anh Bùi Đức Đông – quê Hà Tĩnh, là doanh nhân – trong sáng 13-10 có nhu cầu từ Hà Nội đi về các tỉnh phía Nam, khi qua trạm kiểm soát Pháp Vân – Cầu Giẽ, vẫn phải dừng phương tiện để thực hiện khai báo y tế và xuất trình các giấy tờ.
“Hôm qua tôi đã đọc rất kỹ thông tin sẽ tạm dừng áp dụng các chỉ thị 15, 16 và 19 về chống dịch của Thủ tướng, tuy nhiên khi ra tới trạm kiểm soát này thì vẫn phải xuất trình rất nhiều giấy tờ, đặc biệt là việc dừng xe lại để khai báo y tế.
Chúng tôi đi ra khỏi TP thì đầy đủ giấy tờ, test COVID-19 đầy đủ, mỗi tuần test COVID-19 2 lần rất tốn kém chi phí, doanh nghiệp cũng có cấp giấy tờ đi lại và xin cả giấy cư trú của địa phương.
Đáng lẽ khi đi qua chốt chỉ cần xuất trình giấy tờ, nhưng còn phải xuống xe khai báo y tế, kiểm tra, dù lúc ngồi trên xe đã khai báo rồi” – anh Đông nói.
Anh Đông mong muốn: “Chúng tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, xét nghiệm âm tính rồi thì nên tạo điều kiện nhanh nhất cho lưu thông ra khỏi TP, chứ như hiện nay thủ tục rất rườm rà, gây nhiều cản trở, khó khăn trong việc đi lại”.
Minh Ánh