+
Aa
-
like
comment

Chính phủ sau tinh gọn không còn cấp tổng cục

Bích Ngân - 14/01/2025 11:36

Các bộ thuộc Chính phủ sau tinh gọn không còn cấp tổng cục, giảm gần 86% cục và tổ chức tương đương. Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết nghị quyết 18 cho thấy bộ máy Chính phủ sau khi tinh gọn dự kiến có 22 bộ, cơ quan; gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan) và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Các bộ, cơ quan dự kiến giảm 4.250 đầu mối, trong đó giảm 100% tổng cục, gần 86% cục và tổ chức tương đương; giảm 54% vụ và tương đương; giảm gần 92% chi cục và tương đương.

Cụ thể, các bộ thuộc Chính phủ giảm 13/13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập.

Số liệu nêu trên chưa tính việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an và Quốc phòng. Hai bộ này sẽ rà soát, dự kiến cắt giảm một số tổng cục, cục, vụ, viện. Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ ngành đã hoàn thiện phương án tinh gọn, đảm bảo nguyên tắc không bỏ các chức năng, nhiệm vụ, gắn việc tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Công an tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị theo kết luận, chủ trương và định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác thanh tra hiện nay cơ bản hiệu quả, nhưng bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, việc chỉ đạo và hoạt động có nơi, có lúc chưa hiệu quả nên cần thiết phải tổ chức, sắp xếp lại để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ và những công việc đã được xác định, đã ổn định từ trước đến nay; nghiên cứu phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thanh tra ở các cấp phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tránh chồng chéo, giảm khâu trung gian, bảo đảm tính thống nhất và độc lập trong thực thi công vụ. Đây phải là công cụ hiệu quả thực hiện chức năng quản lý nhà nước và góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, nhanh chóng hoàn thiện các báo cáo, phương án để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ và chất lượng với tinh thần đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ; 4 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan trực thuộc. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12/2024, dự kiến 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất.

Nhiều bộ sau hợp nhất sẽ giảm nhiều đầu mối bên trong, như Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư sau hợp nhất giảm khoảng 31,4% đầu mối và không duy trì mô hình tổng cục. Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải hợp nhất dự kiến giảm 41% đầu mối, còn 25-27 đơn vị.

Dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm từ 55 xuống còn 30 đầu mối. Tổng cục Thuế sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ tổ chức mô hình 3 cấp, gồm thuế Nhà nước, khu vực và quận, huyện.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người và dự kiến cần 130.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ. Trong đó, 111.000 tỷ đồng dùng để thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức; 4.000 tỷ đồng cho người lao động; 9.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội; và 2.000 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn kinh phí này sẽ được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều