CHÍNH PHỦ MỚI – Những cơ hội và thách thức từ bài viết của ông Nguyễn Sĩ Dũng
Việt Nam sắp có Chính phủ mới. Chính phủ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ khi quy mô nền kinh tế đã vượt qua Singapore và Malaysia.
Chỉ vài ngày nữa, Chính phủ mới sẽ ra mắt dân chúng. Ở bối cảnh kinh tế hậu Covid, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng thứ tư trong khối ASEAN.
Tháng tư năm 2009, tôi và một số trí thức Việt Nam được Đại sứ quán Singapore mời giao lưu và đối thoại với Bộ trưởng, Cố vấn cao cấp Lý Quang Diệu khi ông sang thăm Việt Nam.
Cuộc gặp diễn ra tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội – một cuộc đối thoại thú vị, đầy thách thức về mặt trí tuệ.
Ông Lý Quang Diệu đã nêu vấn đề rất thẳng, đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Ông cho rằng Việt Nam đang đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Nếu không vượt qua được, ước vọng hóa hổ, hóa rồng sẽ chỉ xa vời.
Một số trong những thách thức là chất lượng thể chế và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cũng chính ông Lý Quang Diệu đã khẳng định trong cuốn sách “Bí quyết hóa rồng” của mình rằng: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Dường như dự báo của nhà lãnh đạo Singapore về vị trí số một của Việt Nam đang có khả năng thành hiện thực. Mặc dù vậy, những thách thức cũng do chính vị thủ tướng lừng danh nêu ra cách đây hơn mười năm gần như vẫn còn đó.
Dù xét về quy mô, nền kinh tế nước ta đã vượt qua Singapore, song xét về thu nhập bình quân đầu người, chúng ta vẫn tụt lại rất xa. Nếu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD, thì của Singapore là 58.000 USD, gấp hơn 16 lần. Singapore đã là nước phát triển thuộc thế giới thứ nhất, Việt Nam vẫn chỉ là nước đang phát triển thuộc thế giới thứ ba.
Chính vì vậy, kỳ vọng lớn nhất đối với Chính phủ mới là sự đột phá trong lĩnh vực thể chế và nhân lực. Đây cũng là hai trong số ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra hàng chục năm nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế”. Thể chế phát triển kinh tế của Việt Nam phải chăng là nhà nước kiến tạo trong khung khái niệm của mô hình Đông Bắc Á.
Đây là mô hình đã tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ cho tất cả các nước có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á – tôi vẫn gọi là các quốc gia dùng đũa. Đặc điểm cơ bản của mô hình này là coi trọng vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và dẫn dắt kinh tế đi lên. Mô hình này có lẽ phù hợp nhất với nền tảng thể chế và văn hóa của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thực ra, đây cũng là mô hình mà các chuyên gia và giáo sư của Đại học Harvard trong hai báo cáo “Theo hướng rồng bay” và “Lựa chọn thành công” đã khuyến nghị Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ chuyển đổi sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nhanh chóng và nhất quán.
Để hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, Luật Đất đai đóng vai trò rất quan trọng. Đất đai đang là một trong những nguồn lực lớn nhất của nước ta, nhưng đồng thời cũng là thể chế nhiều ách tắc và bất ổn nhất.
Người dân kỳ vọng Chính phủ mới sẽ sớm sửa đổi Luật Đất đai để khơi thông nguồn lực này, đồng thời khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hành xử bất nhất liên quan đến đất đai hiện nay. Chính sách lập pháp quan trọng nhất ở đây là điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ ba quyền năng rất dễ bị các quan chức lạm dụng để trục lợi: quyền định giá, quyền cho phép chuyển đổi và quyền thu hồi đất.
Chất lượng thể chế và chất lượng nhân lực liên quan chặt chẽ với nhau. Mọi thể chế chỉ là những quy định nằm trên giấy, nếu không được vận hành bởi đội ngũ công chức chuyên nghiệp và tài giỏi.
Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “có cơ chế đột phá để thu hút và trọng dụng người tài”. Đột phá tức phải vượt qua khỏi khuôn khổ của những cơ chế đang tồn tại. Chúng ta kỳ vọng Chính phủ mới sẽ nhanh chóng tìm ra cơ chế này. Một cơ chế như vậy phải chăng là việc tổ chức thi quốc gia để tuyển chọn công chức. Đây là cách Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Bắc Á khác đang làm, cũng là cách cha ông ta hàng trăm năm trước từng làm. Khôi phục lại hình thái truyền thống khoa bảng phải chăng là cơ chế chìa khóa để tuyển người tài cho nền công vụ?
Trọng dụng người tài là đặt đúng người vào đúng việc và đề bạt theo thành tích thực tế. Bằng hệ thống tiêu chí đánh giá thành tích khách quan, ai xuất sắc hơn thì đề bạt người đó.
Thật ra, người tài của đất nước không thời nào thiếu. Cái thiếu là cơ chế để chọn cho đúng mà thôi.
Tất nhiên, để giải quyết cơ bản vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, quan trọng nhất là cải cách giáo dục theo chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Trong cuộc đối thoại năm 2009 với chúng tôi, ông Lý Quang Diệu đã đề xuất việc mời Việt kiều mang kỹ năng và kinh nghiệm của quốc tế về cho Việt Nam. Ngày nay, những kỹ năng và kinh nghiệm như vậy đang có trong hàng loạt các đơn vị tư thục. Nhưng, chúng chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm để thúc đẩy cải cách.
Tôi tin thể chế và nhân lực là hai yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự phát triển đột phá cho đất nước. Thúc đẩy những cải cách vượt bậc ở đây là điều ta có quyền kỳ vọng vào Chính phủ mới sẽ ra mắt công chúng tuần này.
T.S Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)